Chia sẻ của giảng viên UTT về nâng cao hiệu quả dạy - học trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19


Chia sẻ của giảng viên UTT về nâng cao hiệu quả dạy - học trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19

02/03/2020

Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu về việc tổ chức giảng dạy trực tuyến trong thời gian sinh viên chưa thể quay lại Trường do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ giữa tháng 2 giảng viên cả 3 cơ sở đào tạo đã đồng loạt triển khai dạy học trực tuyến cho sinh viên toàn Trường.

Mặc dù đây là lần đầu tiên triển khai ở cấp độ toàn Trường, ngoài một số băn khoăn, vướng mắc như: Lựa chọn phương pháp giảng và ứng dụng hỗ trợ nào để phù hợp với đặc thù môn học; kết nối với sinh viên có bị ảnh hưởng do môi trường học tập phân tán, điều kiện thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin không đồng đều; làm sao để quản lý sinh viên dự lớp hiệu quả và đánh giá kết quả chính xác, công bằng; … hầu hết các thầy cô giáo đều cho những phản hồi tích cực của dạy - học trực tuyến.

Hình ảnh lớp học trực tuyến của giảng viên Khoa Cơ khí

Hình ảnh lớp học trực tuyến của giảng viên Khoa Kinh tế vận tải

Nhiều thầy cô giáo cho rằng, dạy học trực tuyến là phương pháp hiện đại và tích cực, giúp sinh viên tăng tính linh hoạt, chủ động và khả năng tự học; cả thầy và trò có thêm cơ hội tìm hiểu, ứng dụng công nghệ mới vào việc dạy - học; trong và sau mỗi buổi học sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm tài liệu có sẵn trên mạng internet hoặc xem lại bài giảng trong kho dữ liệu, qua đó kịp thời củng cố kiến thức chưa kịp nắm bắt trong giờ học; không gian lớp học mở nên cả giảng viên và sinh viên đều đều cảm thấy khá thoải mái trong trao đổi, thảo luận, không quá mô phạm như không gian lớp học offline.

Để nâng cao hiệu quả giảng dạy, nhiều thầy cô đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức lớp học trực tuyến và sử dụng các ứng dụng hỗ trợ hiệu quả.

Chia sẻ kinh nghiệm của Cô giáo Nguyễn Thanh Tú - CSĐT Thái Nguyên về xây dựng bài giảng trực tuyến bằng ứng dụng Camtasia

Chia sẻ kinh nghiệm của Thầy giáo Trần Quốc Tuấn - Trưởng khoa Khoa học cơ bản về dạy học trực tuyến trên Facebook

Theo thầy Tuấn, khi livestream trực tiếp giảng viên thường tập trung vào việc dạy nên sẽ khó quan tâm đến hoạt động tương tác, giải đáp thắc mắc cho sinh viên. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả giảng dạy bằng phương pháp này giảng viên nên quay video bài giảng trước, sau đó Tổ chức buổi xem chung trên nhóm Facebook với sinh viên, trong quá trình xem chung này giảng viên dễ dàng kiểm soát sự tham gia của sinh viên vào bài giảng, việc tương tác với sinh viên cũng được điều chỉnh tích cực do giảng viên có toàn thời gian giải đáp kịp thời khi nhận được câu hỏi của từng sinh viên.

Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn tại các bộ môn, các giảng viên đã  chia sẻ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức dạy - học trực tuyến như:

- Tùy thuộc vào đặc thù của môn học, mỗi giảng viên lựa chọn cho mình các ứng dụng phù hợp để xây dựng bài giảng và tổ chức lớp học. Sau đó trao đổi với sinh viên cách thức sử dụng các ứng dụng này để sinh viên có thể tiếp cận nhanh chóng và sử dụng thuần thục, giảm tối đa thời gian giải quyết các sự cố phát sinh trong quá trình giảng dạy. 

- Thiết lập với sinh viên những qui định cụ thể về tổ chức lớp học như: Hình thức và phương pháp tổ chức lớp học; nguồn tài liệu, bài giảng phục vụ học tập; thời gian sinh viên vào lớp; sự tham gia của sinh viên trong quá trình dự giảng; phương pháp kiểm tra, đánh giá ý thức và kết quả học tập của sinh viên; …

- Với các học phần đòi hỏi sự tương tác giữa giảng viên phải cụ thể với từng sinh viên hoặc nhóm sinh viên như các học phần đồ án/thực hành, giảng viên nên chia lớp thành các nhóm riêng để tổ chức trao đổi theo nhóm, việc này sẽ làm mất nhiều thời gian và công sức của các thầy cô hơn nhưng hiệu quả sẽ mang lại cao hơn nhiều so với lớp học chung. 

Để quản lý, đánh giá và phân loại sinh viên hiệu quả, các thầy cô giáo đã nghiên cứu khai thác tối đa chức năng các phần mềm quản lý lớp học trực tuyến như các chức năng tạo bài kiểm tra, giao bài tập và kiểm tra sinh viên thực hiện bài kiểm tra, chấm bài trên ứng dụng Edmodo. Nhiều giảng viên sử dụng ứng dụng Shub Classroom cho phép tự động thống kê số lượng sinh viên làm bài, số lượng trả lời đúng/sai theo từng câu hỏi của đề bài, … từ những số liệu thống kê này, giảng viên có cơ sở đánh giá lại mức độ phù hợp của bài kiểm tra, mức độ hiểu bài và thu nhận kiến thức của sinh viên, phân nhóm kiến thức cần củng cố và bổ sung thêm cho sinh viên khi có điều kiện tổ chức lớp học trực tiếp tại giảng đường.

Hình ảnh thống kê tự động tình hình thực hiện các bài tập trên lớp bằng ứng dụng Shub Classroom

Mặc dù thời gian triển khai chưa nhiều, một số Thầy cô và sinh viên vẫn còn gặp phải những vướng mắc trong quá trình tổ chức, nhưng hoạt động dạy - học trực tuyến đang được hầu hết tập thể giảng viên và sinh viên Nhà trường ủng hộ và đánh giá cao bởi tính linh hoạt và chủ động. Nhiều thầy cô nhận định rằng, hoạt động này không chỉ duy trì được việc dạy - học và sự kết nối giữa giảng viên và sinh viên trong thời gian buộc phải tạm nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà còn là cơ hội để giảng viên ứng dụng các phương pháp mới và hiện đại nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động giảng dạy trong Nhà trường.

Trường Đại học Công nghệ GTVT