Trường Đại học Công nghệ GTVT được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về hoạt động KHCN giai đoạn 2011-2015

Tại buổi Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ Ngành GTVT giai đoạn 2011-2015 sáng nay 21/6, Trường Đại học Công nghệ GTVT vinh dự được Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ Ngành GTVT giai đoạn 2010- 2015 góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ Quốc.

bộ gtvt
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và các đồng chí chủ trì điều hành Hội nghị

Mặc dù mới được nâng cấp lên trường đại học trong thời gian ngắn, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên dưới sự quan tâm, chỉ đạo tạo điều kiện giúp đỡ của Bộ GTVT, các cơ quan ban ngành, hoạt động KHCN của Nhà trường đã từng bước đi vào nề nếp và bước đầu đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Trong 5 năm qua, tập thể cán bộ giảng viên, sinh viên Nhà trường đã thực hiện 2 đề tài cấp nhà nước; 35 đề tài, 17 đề án, dự án môi trường cấp Bộ GTVT; 01 đề tài cấp Tỉnh Vĩnh Phúc; xây dựng mới 6 tiêu chuẩn Việt Nam và chuyển đổi 15 tiêu chuẩn Ngành sang tiêu chuẩn Việt Nam; trên 200 đề tài NCKH, 20 sáng kiến cải tiến cấp Trường. Các đề tài tập trung nghiên cứu giải quyết những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành, nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và các lĩnh vực hoạt động khác trong Nhà trường, đặc biệt nhiều đề tài có hàm lượng khoa học và tính ứng dụng cao, giải quyết những vấn đề của thực tiễn sản xuất như: nghiên cứu ứng dụng công nghệ neo trong đất gia cố đê biển sử dụng làm đường ô tô; xử lý vệt hằn bánh xe, xử lý nền đất yếu, lún đầu cầu; chế tạo thiết bị thí nghiệm phục vụ đào tạo ( máy CBR- Marshal; vải địa kỹ thuật, mô hình giao thông thông minh; tàu lặn…); chế tạo xe hybrid và xe mini bus điện; chế tạo sản xuất sơn… Nhà trường đã thành lập Nhóm nghiên cứu mạnh về Ứng phó với biến đổi khí hậu; Nhóm nghiên cứu mạnh về Vật liệu và Mặt đường gồm các nhà khoa học đến từ Trung tâm Công nghệ Asphalt quốc gia, Đại học Auburn, Hoa Kỳ; Viện Khoa học công nghệ giao thông Pháp (IFSTTAR), Pháp; Trường Đại học Xây dựng; Trường Đại học GTVT và Trường Đại học Công nghệ GTVT nhằm mục tiêu nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ và phối hợp với các nhóm nghiên cứu mạnh khác để triển khai các nội dung khoa học trong lĩnh vực vật liệu nói chung và vật liệu trong thiết kế xây dựng mặt đường nói riêng góp phần giải quyết các bài toán thực tiễn của Ngành.

Ngoài việc thực hiện các đề tài NCKH các cấp, các cán bộ giảng viên còn thực hiện hàng trăm sáng kiến cải tiến áp dụng vào thực tế góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và tiết kiệm kinh phí hàng trăm triệu đồng cho Nhà trường. Năm 2011; 2013 nhà trường đã tham gia cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc và cả 2 lần đều đạt giải Nhất toàn đoàn với 72 giải pháp: 02 giải Nhất; 03 giải Nhì; 04 giải Ba; 10 giải khuyến khích. Năm 2013 đạt  01 Giải khuyến khích giải thưởng sáng tạo kỹ thuật toàn quốc VIFOTECH.

Trong 05 năm qua, Nhà trường đã tổ chức 30 hội nghị, hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các trường đại học của nước ngoài (Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp…); tổ chức 03 hội nghị khoa học lớn về ngành công nghệ kỹ thuật giao thông và ngành cơ khí động lực với sự tham gia của hàng trăm các nhà khoa học trong và ngoài nước, các báo cáo tại hội nghị được xuất bản trên Tạp chí Giao thông của Bộ GTVT và Tạp chí Cơ khí Việt Nam của Tổng hội cơ khí Việt Nam.

đại học công nghệ gtvt
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết Hoạt động Khoa học công nghệ Ngành GTVT 2011-2015

Về hoạt động NCKH sinh viên, đến nay đã có 100 đề tài NCKH sinh viên được triển khai nghiệm thu. Ngoài ra nhà trường còn thành lập CLB sáng tạo trẻ dành cho sinh viên đam mê sáng tạo, NCKH. Các sinh viên đã chế tạo rô bốt tham gia cuộc thi Robocon do VTV tổ chức; chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu dự thi lái xe sinh thái do Honda tổ chức. Thông qua các hoạt động này, sinh viên được rèn kỹ năng thực hành; tư duy khoa học, khả năng làm việc nhóm và ứng dụng lý thuyết vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Trong 05 năm qua, Nhà trường được tiếp nhận 03 dự án lớn, trong đó có 02 dự án trong nước với giá trị 87 tỷ đồng và 01 dự án nước ngoài về Tăng cường năng lực đào tạo cho ngành Công nghệ kỹ thuật giao thông, tập trung vào cầu đường bộ cao tốc do Chính phủ Nhật Bản tài trợ trị giá 120 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà trường còn tiếp nhận và triển khai các dự án như: Dự án T-TEP do Toyota tài trợ thiết bị đào tạo thực hành xe ô tô; Dự án NCKH do JICA tài trợ: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Do-nou trong xây dựng đường Giao thông nông thôn ở Việt Nam”; Dự án do Trung tâm sáng kiến không khí sạch Châu Á (CAI) tài trợ về "Xây dựng dự thảo tiêu chuẩn khí thải mới và lộ trình thực hiện đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lắp động cơ diesel đang lưu hành tại Việt Nam”... Thông qua các dự án này, các cán bộ giảng viên đã hợp tác với các chuyên gia, tư vấn nước ngoài chủ động tiếp nhận chuyển giao, nắm bắt, làm chủ công nghệ tiên tiến trong hoạt động NCKH và sản xuất kết hợp, áp dụng vào trong thực tiễn của ngành GTVT. Nhiều sản phẩm KHCN đã được nghiên cứu, triển khai ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Nhà trường đã triển khai 112 hợp đồng, phiếu yêu cầu về chuyển giao công nghệ, thử nghiệm phục vụ sản xuất tập trung vào các lĩnh vực như: khảo sát đánh giá tình trạng mặt đường, thiết kế thành phần bê tông, thí nghiệm vật liệu bê tông nhựa, nhũ tương, nhựa đường polyme, bột khoáng, đá dăm, thí nghiệm hằn vệt bánh xe, siêu âm cọc khoan nhồi, IRI, FWD... thuộc các dự án công trình giao thông trọng điểm của Ngành như dự án đường bộ cao tốc Hà Nội- Lào Cai; Hà Nội- Hải Phòng; Hà Nội- Thái Nguyên; mặt cầu Thăng Long; cầu Thanh Trì; Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa khôi phục mặt đường QL5; thí nghiệm cọc khoan nhồi Cầu Bút Sơn- Thanh Hóa; thí nghiệm xuyên tĩnh CPT cho dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ và ứng dụng các bộ sơn chất lượng và tuổi thọ cao để bảo vệ các kết cấu công trình.

đào văn đông
PGS.TS. Đào Văn Đông (thứ ba từ bên phải) Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT
thay mặt tập thể sư phạm Nhà trường đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Nhà trường đã ký‎ thỏa thuận hợp tác với 12 doanh nghiệp và Viện nghiên cứu trong nước: CIENCO1; CIENCO8; VEC; ITST; TEDI; FECON; TRANSMECO; CTEI; CAD/CAM…; 04 trường Đại học nước ngoài: Đại học Nihon (Nhật Bản); Đại học Valenciennes (Pháp); Đại học Cergy-Pontoise (Pháp); Viện khoa học ứng dụng quốc gia Pháp (INSA de Rennes); 06 công ty nước ngoài: Công ty Luxgen Motors Việt Nam; Công ty Fukken & Minami; Taiyu Kensetsu Co., Ltd; Tokyu Construction Co., Ltd; Nikken International Asia Co., Ltd; Công ty M/S Zydex Industries - Ấn Độ; Công ty Niipo Nhật Bản; Công ty sơn CGV Nhật Bản. Thông qua các thỏa thuận hợp tác này các giảng viên của Trường đã được tiếp cận với công nghệ mới, được học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ và phối hợp cùng với các đối tác triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, các dự án thử nghiệm vật liệu mới như: phối hợp cùng công ty Taiyu Nhật Bản thử nghiệm công nghệ bê tông nhựa rỗng; Công ty Nippo Nhật Bản về công nghệ bê tông nhựa nguội Remiphal sửa chữa mặt đường ô tô; Công ty Quasco- Mỹ về công nghệ tái chế mặt đường cứng BTXM; Công ty Zydex Ấn Độ về công nghệ nano nâng cao chất lượng‎ lớp móng, lớp mặt đường ô tô; Công ty 3M- Mỹ về sản xuất thiết bị ATGT và đặc biệt hiện nay Nhà trường đang hợp tác với Công ty AGC Nhật Bản để tiến tới triển khai ứng dụng, thương mại hóa các sản phẩm sơn bảo vệ công trình cầu cảng.

vũ ngọc khiêm
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT cho
TS. Vũ Ngọc Khiêm (thứ ba từ bên phải qua) Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT 
có thành tích trong nghiên cứu và ứng dụng KHCN ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2015

Những kết quả trên đây đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, góp phần thực hiện chiến lược phát triển Ngành và nâng cao vị thế hình ảnh uy tín của Trường trong Ngành Giao thông vận tải và xã hội.