Quy chế rèn luyện HSSV

TRÍCH VÀ CỤ THỂ HOÁ QUY CHẾ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ RÈN LUYỆN CỦA HSSV CÁC TRƯỜNG ĐH, CĐ VÀ TCCN HỆ CHÍNH QUY

(Ban hành theo QĐ số 60/2007/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và QĐ số: 2148/QĐ-CĐGTVT ngày 5/11/2007 về việc hướng dẫn thực hiện của Hiệu trưởng Trường CĐGTVT)
 
I- NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ RÈN LUYỆN VÀ KHUNG ĐIỂM

1. Đánh giá về ý thức học tập

Căn cứ để xác định điểm là tinh thần vượt khó, phấn đấu vươn lên trong học tập, tích cực tham gia NCKH, tham gia dự thi HSSV giỏi ở các cấp.

Khung điểm đánh giá: 0 - 30 điểm.

2. Đánh giá về ý thức và kết quả chấp hành nội quy, quy chế trong Nhà trường

Căn cứ để xác định điểm là ý thức và kết quả việc chấp hành các nội quy, quy chế và các quy định khác được áp dụng trong Trường.

Khung điểm đánh giá từ 0 - 25 điểm.

3. Đánh giá về ý thức và kết quả tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, văn hoá, văn nghệ, thể thao và phòng chống các tệ nạn xã hội

Căn cứ để xác định điểm là kết quả tham gia các hoạt động rèn luyện về chính trị – xã hội, văn hoá, văn nghệ, thể thao và phòng chống các tệ nạn xã hội.

Khung điểm đánh giá từ 0 - 20 điểm.

4. Đánh giá về phẩm chất công dân và quan hệ với cộng đồng

Căn cứ để xác định điểm là kết quả chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tích trong công tác xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật 
tự an toàn xã hội; mối quan hệ cộng đồng, tinh thần giúp đỡ bạn bè, cưu mang người gặp khó khăn.

Khung điểm đánh giá từ 0 -15 điểm.

5. Đánh giá về ý thức và kết quả tham gia công tác phụ trách lớp, các đoàn thể, 
tổ chức trong Nhà trường hoặc đạt được thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện của HSSV

Căn cứ để xác định điểm là ý thức, mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với HSSV được phân công quản lý lớp, các tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, Hội SV và các tổ chức khác trong Nhà trường; những HSSV khác có thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện.

Khung điểm đánh giá từ 0 -10 điểm.

II- PHÂN LOẠI KẾT QUẢ RÈN LUYỆN

1. Quy định phân loại kết quả rèn luyện theo học kỳ

- Điểm rèn luyện của học kỳ là Tổng điểm đạt được của 5 nội dung đánh giá ở mục I

- Để phân loại kết quả rèn luyện, mỗi HSSV sử dụng “Phiếu đánh giá kết quả rèn luyện”, căn cứ tổng số điểm đạt được để phân loại kết quả rèn luyện thành một trong các loại: Xuất sắc, Tốt, Khá, Trung bình khá, Trung bình, Yếu và Kém, cụ thể: 

Điểm rèn luyện Phân loại KQRL
Từ 90 đến 100 điểm Loại Xuất sắc
Từ 80 đến dưới 90 điểm Loại Tốt
Từ 70 đến dưới 80 điểm Loại Khá
Từ 60 đến dưới 70 điểm Loại Trung bình khá
Từ 50 đến dưới 60 điểm Loại Trung bình
Từ 30 đến dưới 50 điểm Loại Yếu
Dưới 30 điểm Loại Kém

- Những HSSV bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên khi phân loại kết quả rèn luyện không được vượt quá loại Trung bình.

2 - Quy định phân loại kết quả rèn luyện theo năm học, khoá học

- Việc đánh giá kết quả rèn luyện của từng HSSV còn được tiến hành theo từng năm học và toàn khoá học:

+ Điểm rèn luyện năm học bằng trung bình cộng của điểm rèn luyện hai học kỳ của năm học đó. Hai học kỳ của một năm học lấy hệ số bằng nhau.

+ HSSV nghỉ học tạm thời, khi Nhà trường xem xét cho học tiếp thì thời gian nghỉ học không tính điểm rèn luyện.

- Điểm rèn luyện toàn khoá học của HSSV là trung bình chung của điểm rèn luyện các năm học của khoá học đã được nhân hệ số và được tính theo công thức sau:

R = (r1.n1+ r2.n2+...+rN.nN)/(n1+n2+...+nN)

Trong đó:

+ R là điểm rèn luyện toàn khoá.

+ N là tổng số năm học của khoá học.

+ ri là điểm rèn luyện của năm học thứ i

+ ni là hệ số của năm học thứ i, được Nhà trường quy định như sau:

. Học kỳ I và học kỳ II (năm thứ nhất): hệ số 1

. Học kỳ III và học kỳ IV (năm thứ hai): hệ số 2

. Học kỳ V và học kỳ VI (năm thứ ba): hệ số 3

Khi tính điểm rèn luyện cả khoá học, nếu năm học cuối chưa đủ một năm tức chỉ có 1 học kỳ thì điểm rèn luyện học kỳ 1 năm cuối được coi là điểm rèn luyện năm cuối để tính điểm rèn luyện toàn khoá (R)theo công thức trên.

3 - Sử dụng kết quả rèn luyện

- Kết quả phân loại rèn luyện theo học kỳ của từng HSSV là một trong những tiêu chuẩn để xét, cấp học bổng khuyến khích học tập (HB KKHT).

- Kết quả phân loại rèn luyện năm học của từng HSSV là một trong những tiêu chuẩn để xét học tiếp, ngừng học và xét thi đua khen thưởng.

- Kết quả phân loại rèn luyện toàn khoá học của từng HSSV là một trong những tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp, được lưu trong hồ sơ quản lý HSSV của Trường và phải được ghi vào bảng kết quả học tập và rèn luyện của từng HSSV khi ra Trường.

- HSSV có kết quả rèn luyện được Nhà trường xem xét biểu dương, khen thưởng, HSSV bị xếp loại rèn luyện kém trong cả năm học thì phải ngừng học ở năm học tiếp theo và nếu bị xếp loại kém cả năm lần thứ hai thì sẽ bị buộc thôi học.

III- QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ RÈN LUYỆN

1 - Quy trình đánh giá cho điểm và xếp loại kết quả rèn luyện học kỳ được thực hiện theo các bước

- HSSV tự đánh giá theo các tiêu chí trong phiếu đánh giá KQRL.

- Bình xét của lớp và giáo viên chủ nhiệm: Tổ chức họp lớp có giáo viên chủ nhiệm tham gia, tiến hành xem xét và thông qua mức điểm của từng HSSV trên cơ sở phải được quá nửa ý kiến đồng ý của tập thể lớp và phải ghi biên bản cụ thể.

- Hội đồng đánh giá kết quả rèn luyện cấp Khoa (hoặc Phân hiệu) đánh giá, xếp loại ghi kết luận vào ngay trong phiếu đánh giá KQRL. Sau đó gửi phòng Đào tạo (hoặc Phòng công tác HSSV) thẩm định rồi trình Hiệu trưởng (với Phân hiệu Thái Nguyên trình Giám đốc) phê duyệt công nhận.

- Kết quả đánh giá, phân loại rèn luyện của HSSV phải được công bố công khai và thông báo cho HSSV biết.

- HSSV có quyền khiếu nại lên Khoa, Phòng Đào tạo (hoặc Phòng Công tác HSSV) hoặc Hiệu trưởng nếu thấy việc đánh giá KQRL chưa chính xác. Khi nhận được đơn khiếu nại, Nhà trường có trách nhiệm giải quyết, trả lời theo quy định hiện hành.

2- Thành phần Hội đồng đánh giá KQRL của HSSV cấp Khoa

- Chủ tịch Hội đồng: Trưởng Khoa hoặc Phó trưởng khoa

- Cán bộ Quản lý HSSV của Khoa: Uỷ viên thư ký

- Giáo viên chủ nhiệm lớp: Uỷ viên

- Đại diện Đoàn trường (hoặc Liên chi đoàn khoa): Uỷ viên

- Đại diện Hội HSSV trường (hoặc Liên chi hội khoa): Uỷ viên

- Đại diện bộ phận Quản lý HSSV thuộc Phòng Đào tạo (hoặc Phòng Công tác HSSV Trường): Uỷ viên