Giảng viên cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc trước yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo


Giảng viên cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc trước yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo

02/11/2017

Năm học 2017-2018, Nhà trường đặt ra mục tiêu: “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội”. Để thực hiện mục tiêu này, tập thể đội ngũ giảng viên trong toàn Trường đã tích cực tìm kiếm, đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực người học, yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tiêu biểu trong số đó là Thầy giáo Nguyễn Thành Vinh và Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy ở cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc.

Với quan niệm, đổi mới giảng dạy ở Đại học không chỉ là đổi mới kiến thức chuyên môn mà còn là đổi mới tư duy mỗi giờ lên lớp, người Thầy lên lớp không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giáo dục khát vọng lập nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và trên hết là một tấm gương tốt về thái độ khiêm tốn, ý thức ham học, tác phong và đạo đức để sinh viên noi theo. Thầy giáo Nguyễn Thành Vinh, giảng viên bộ môn Vật lý, khoa Khoa học cơ bản đã sử dụng nhiều biện pháp trong quá trình tổ chức hoạt động giảng dạy của mình như: Sử dụng linh hoạt sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy của mình để thay đổi cách tiếp cận với sinh viên; xây dựng hệ thống câu hỏi và định hướng cho sinh viên khai thác hiệu quả các nguồn tài liệu từ mạng internet để các em nghiên cứu trước khi thực hiện giờ giảng; thay đổi phương pháp dạy học từ diễn giải lý thuyết sang giải đáp, phát vấn và đặc biệt là hướng dẫn các em kỹ năng phân tích, giải quyết các vấn đề cụ thể của thực tiễn; thiết lập quan hệ tương tác thân thiện giữa thầy - trò, trò - trò, qua đó tạo nên sự hứng thú từ các em sinh viên trong từng giờ giảng.

Là giảng viên giảng dạy chuyên ngành Kế toán, Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng bộ môn Kế toán, khoa KTVT đã áp dụng phương pháp dạy học theo nhóm từ 4-6 sinh viên cho các môn chuyên ngành Kế toán vốn được coi là rất khó để dạy hay. Đối với các giờ học lý thuyết, mỗi nhóm sẽ được phân công thực hiện thuyết trình hoặc phản biện một nội dung của bài học. Đối với các giờ thực hành, mỗi nhóm sẽ làm việc theo mô hình một phòng kế toán tại doanh nghiệp. Sinh viên được hướng dẫn kỹ năng như: Thuyết trình, phản biện, giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn, kỹ năng làm việc nhóm trong vai trò là một thành viên hay một người lãnh đạo nhóm. Việc tổ chức học nhóm này đã mang lại hiệu quả rất tích cực cho các em sinh viên do phát huy tối đa tính tự giác, sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm. 

Dưới đây là một số hình ảnh của Thầy giáo Nguyễn Thành Vinh và Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy trên giảng đường: