Dự kiến đến 2020 sẽ triển khai hơn 2.500km đường bộ cao tốc


Dự kiến đến 2020 sẽ triển khai hơn 2.500km đường bộ cao tốc

10/04/2016

Sáng 9/3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp về Kế hoạch triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020. Cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Ngọc Đông, Lê Đình Thọ, Nguyễn Nhật; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư cho biết, đến hết năm 2020 sẽ đầu tư khoảng trên 2.500km đường bộ cao tốc và dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư khoảng 2.000-2.500km, trong đó tập trung ưu tiên vào các đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, các tuyến cao tốc tập trung ở khu vực vùng Thủ đô, khu vực TP Hồ Chí Minh và các tuyến nối với các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, các trung tâm kinh tế vùng.

Về tình hình thực hiện đầu tư, đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác 746 km đường cao tốc gồm 12 tuyến: Đại lộ Thăng Long (30km), Liên Khương - Đà Lạt (19km), Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), Vành đai 3 đoạn Phù Đổng - Mai Dịch (28km), Hà Nội - Lào Cai (264km), Hà Nội - Thái Nguyên (62km), Hà Nội - Hải Phòng (105km), Hà Nội - Bắc Giang (46km), TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (40km), TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (51km)và tuyến nối Nội Bài - Nhật Tân (21km). Tổng kinh phí đầu tư khoảng 173.422 tỷ đồng.

Đang thi công 525 km gồm 9 tuyến: La Sơn - Túy Loan (66km), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (127km), Bến Lức - Long Thành (57,8 km), Hòa Lạc - Hòa Bình (26km), Thái Nguyên - Bắc Kạn (40km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km), Bắc Giang - Lạng Sơn (64km), Hạ Long - Vân Đồn (59km), Hải Phòng - Quảng Ninh (25km). Tổng kinh phí đầu tư khoảng 133.492 tỷ đồng.

Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đang trong giai đoạn thi công

Hiện đã xác định nguồn vốn đầu tư cho 5 dự án với tổng chiều dài 160km, gồm: Vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn TP Lạng Sơn - CK Hữu Nghị, Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Về phương án triển khai đầu tư các đoạn còn lại, dự đầu tư theo hình thức BT, BOT có hỗ trợ của Nhà nước, gồm 11 tuyến: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Ninh Bình - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Vinh, Vinh - Hà Tĩnh, Hà Tĩnh (nút Hàm Nghi) - Vũng Áng, Cam Lộ - La Sơn, Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương, Biên Hòa - Tân Thành, Nội Bài - Bắc Ninh. Tổng chiều dài các đoạn tuyến tiếp tục đầu tư theo hình thức BT là 102km, đầu tư theo BOT khoảng 541km với tổng kinh phí đầu tư khoảng 109.514 tỷ đồng.

Các dự án cao tốc còn lại ưu tiên đầu tư gồm tuyến: Tân Phú - Bảo Lộc, Nha Trang - Phan Thiết, Tân Thành - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Đoan Hùng - Phú Thọ, Cổ Tiết - Làng Văn Hóa (Hòa Lạc), Mỹ An (Đồng Tháp) - Rạch Sỏi (An Giang).

Tại cuộc họp, nhiều nội dung đã được thảo luận xung quanh vấn đề triển khai các dự án như xây dựng cơ chế đầu tư, lãi suất vay, phân chia dự án theo nguồn vốn đầu tư, tiêu chuẩn về quản lý khai thác…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư và Ban PPP phối hợp xây dựng chi tiết Chương trình phát triển đường cao tốc đến năm 2020 bằng hai nguồn vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, đồng thời xây dựng cơ chế về vốn cho các dự án; trong tháng Ba phải hoàn thành Kế hoạch triển khai trình Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến hết năm 2017 toàn bộ các dự án phải được khởi công; Lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị phải quyết liệt vào cuộc để hoàn thành mục tiêu, trong đó Bộ sẽ phân công các Thứ trưởng phụ trách các dự án cụ thể.

Nguồn: Hội KHKT Cầu đường Việt Nam