“Khát” nhu cầu nhân lực ngành Logistics


“Khát” nhu cầu nhân lực ngành Logistics

10/01/2017

Nhu cầu nhân lực cho ngành logistics trên cả nước hiện nay là rất lớn, dự kiến đến năm 2030, các doanh nghiệp logistics cần thêm 200.000 nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản trong khi Việt Nam chưa có nhiều cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành này.

Đào tạo nhân lực cho ngành Logistics hệ đại học chính quy hiện nay tập trung chủ yếu tại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ GTVT. Ở phía Bắc, trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải hiện đang tổ chức đào tạo chuyên ngành Logistics và Vận tải đa phương thức (địa chỉ tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội) với số lượng gần 300 sinh viên; trường Đại học Hàng Hải đào tạo chuyên ngành Logistics (địa chỉ tại TP Hải Phòng). Ở phía Nam, trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh đào tạo chuyên ngành Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức. Tổng lưu lượng đào tạo của cả ba cơ sở vào khoảng 500 sinh viên/năm.

Ngoài ra còn có một số cơ sở đào tạo đại học khác trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành logistics như đại học Ngoại thương với ngành Kinh doanh quốc tế, đại học GTVT (địa chỉ tại Quận Cầu Giấy, Hà Nội) với ngành Quản trị logistics.

Mặc dù các doanh nghiệp logistics đang rất “khát” nhân lực để thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình, nhưng có một thực tế là hiện nay nguồn nhân lực có kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực logistics và sử dụng tiếng Anh tốt “đang chảy mạnh” về tay các doanh nghiệp ngoại. Báo Giao thông đã báo động về thực trạng này qua bài viết của tác giả Thiện Anh với tiêu đề “Báo động chảy máu chất xám logistics” trên số ra ngày 9/1/2017. Dưới đây là toàn văn nội dung bài báo.

Báo động chảy máu chất xám logistics (09/01/2017)

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/bao-dong-chay-mau-chat-xam-logistics-d183708.html

Nhu cầu nhân lực cho ngành logistics rất lớn, dự kiến đến năm 2030, cả nước cần thêm 200.000 người trong khi các cơ sở đào tạo chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Đồng Nai - Ảnh: Tạ Tôn

Đó là chưa kể đến việc nhân tài “đang chảy mạnh” về tay doanh nghiệp (DN) ngoại.

Người giỏi chỉ thích về doanh nghiệp ngoại

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 1.300 DN cung cấp dịch vụ logistics. 70% trong số đó có trụ sở ở TP.HCM. Mặc dù các công ty logistics của Việt Nam chiếm số lượng nhiều, nhưng đáng buồn lại chiếm thị phần rất nhỏ, chủ yếu thực hiện một số khâu dịch vụ trong chuỗi dịch vụ logistics hoặc làm đại lý cho hãng tàu biển nước ngoài.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và truyền thông (TCT Hàng hải VN - Vinalines) cho biết, các DN logistics tại Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường logistics. Nguyên nhân do hạ tầng cơ sở logistics còn nghèo nàn. Các đội xe chuyên dùng đang lạc hậu, năng lực vận tải đường sắt không được vận dụng hiệu quả và đặc biệt, nguồn nhân lực cho hoạt động trong các DN logistics nội đang thiếu và yếu.

Thực tế, việc DN logistics nội thua kém và phụ thuộc quá nhiều vào DN ngoại đã khiến chi phí cho logistics ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với bình quân trên thế giới.

Theo WB, năm 2015, chi phí logistics ở Việt Nam tương đương 20,9% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ, EU và phần còn lại của thế giới lần lượt tương ứng là 9%, 13% và 15% GDP. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh về chi phí của các DN Việt Nam. Nói về những vấn đề đang tồn tại trong lĩnh vực logistics, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh: Nhân lực chính là “mối lo” hàng đầu.

Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Liên, Giám đốc Công ty Logistics đường sắt (ITL) chia sẻ, đơn vị đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao. Những người thực sự giỏi và có trình độ về logistics hiện nay đang được các công ty logistics mạnh của nước ngoài như: Công ty DHL, hay Express... thâu tóm hết.

“Nhu cầu nhân lực của chúng tôi rất nhiều và đa dạng, nhưng người làm được việc không nhiều. Các công ty nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều và đã tuyển mộ hết nhân lực chất lượng cao. Những nhân lực giỏi hiện nay thường muốn được làm việc trong một công ty có thương hiệu, có tên tuổi”, ông Liên nói.

Cần 200.000 nhân sự chất lượng cao

Theo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam”, đến năm 2020 ngành logistics đóng góp vào GDP 5% và đến năm 2030 đóng góp từ 10–12%. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics đạt 20–25% năm. Tỉ lệ thuê ngoài logistics đến năm 2020 là 40%. Phát triển mạnh dịch vụ vận tải biển. Khai thác tốt tiềm năng phát triển cảng biển, đẩy mạnh và phát triển tốt các hoạt động logistics hỗ trợ cho hoạt động hàng hải.

Để đạt được các chỉ tiêu này, đòi hỏi các DN logistics, các nhà hoạch định chính sách phải có những hành động quyết liệt hơn nữa, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí logistics, tạo thuận lợi cho thương mại, đặc biệt đào tạo nhân lực chất lượng cao logistics.

Phó Tổng thư ký VLA Nguyễn Tương cho rằng, hiện nhu cầu nhân lực rất lớn, nhưng các cơ sở đào tạo chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Dự kiến, đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics cả về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh”, ông Tương cho biết.

Ngoài ra, theo ông Tương, Việt Nam phải sớm hoàn chỉnh khung pháp lý dịch vụ logistics, định nghĩa rõ ràng dịch vụ này cũng như có các điều kiện kinh doanh cụ thể.

Phía Vinalines, ông Hải tiết lộ: Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Vinalines sẽ xây dựng 1 trung tâm logistics khoảng 30ha. Trong đó, đến năm 2020 đầu tư khoảng 10ha phục vụ các tỉnh và TP Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang; kết nối với các cảng biển, cảng sông trên sông Hậu, sông Tiền và các cảng thủy nội địa, cảng hàng không, các khu công nghiệp, các cửa khẩu thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang. Trung tâm logistics này cũng là nơi tập kết, thu gom hàng hóa cho các cảng ở TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai.

“Kế hoạch là thế nên chúng tôi đang chuẩn bị rất kỹ lưỡng cả về tiềm lực cũng như con người”, ông Hải nói và cho biết thêm, Vinalines đang khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các trung tâm nghề chuyên ngành trong lĩnh vực này nhằm phát triển đội ngũ cán bộ logistics chuyên nghiệp. Hiện, Vinalines thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về tổ chức khai thác cảng, dịch vụ logistics.

Cũng như vậy, lãnh đạo ITL cho biết đang nỗ lực tối đa để thu hút nhân lực. “Chúng tôi đang áp dụng nhiều chế độ đãi ngộ đối với những nhân viên giỏi để giữ chân họ; đồng thời đào tạo nhân lực mới bổ sung, dạy nghề; tạo những chính sách để thu hút người lao động như chia sẻ cổ phiếu, xây dựng thương hiệu mạnh, bởi những nhân lực giỏi thường muốn được làm việc tại những công ty có tên tuổi”, ông Liên nói.

 

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016 Việt Nam đứng thứ 64/160 và đứng thứ 4 trong ASEAN sau: Singapore, Malaysia và Thái Lan về mức độ phát triển logistics. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của lĩnh vực logistics Việt Nam vào khoảng 16–20%.

 

Thiện Anh - Báo Giao thông