Khóa đào tạo thí điểm “Nâng cao năng lực hướng tới lồng ghép giới trong giao thông điện”
Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2025 – Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa tổ chức thành công Khóa đào tạo “Nâng cao năng lực hướng tới lồng ghép giới trong giao thông điện”. Sự kiện quan trọng này là một phần của dự án “Giao thông điện là nhân tố thay đổi: Hướng tới chuyển đổi sang giao thông điện công bằng và bình đẳng giới tại Việt Nam” thông qua chương trình viện trợ của chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống giao thông bền vững và công bằng. Tham dự Khóa đào tạo, về phía Trường Đại học Công nghệ GTVT có PGS. TS. Vũ Ngọc Khiêm – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Trần Hà Thanh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Ngô Thị Thanh Hương – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế. Về phía Học viện Phụ nữ Việt Nam có PGS. TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện. Về phía Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có Bà June Yeonju Jeong, Trưởng Bộ phận Giao thông bền vững – Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Khóa đào tạo đã thu hút 49 học viên là các giảng viên, cán bộ dự án môi trường và sinh viên từ nhiều chuyên ngành như công nghệ kỹ thuật giao thông, khai thác vận tải, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và Ngôn ngữ Anh. Đặc biệt, khóa đào tạo có sự tham gia của nhiều cán bộ giảng viên đến từ Học Viện Chiến lược bồi dưỡng cán bộ xây dựng, Đại học Phenika, Đại học Việt Nam – Hungary, Đại học Công nghệ GTVT thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng đối với việc tích hợp các khía cạnh xã hội, đặc biệt là bình đẳng giới vào lĩnh vực giao thông điện.
Phát biểu khai mạc Khóa học, TS. Trần Hà Thanh nhấn mạnh giao thông điện không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa cho một tương lai bền vững, ít phát thải. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này sẽ chỉ thực sự thành công khi nó mang lại lợi ích công bằng cho tất cả mọi người, đặc biệt là thúc đẩy vị trí, vai trò và sự tham gia của phụ nữ. Đó chính là mục tiêu cốt lõi mà khóa đào tạo hướng tới: tạo ra một hệ thống giao thông không chỉ xanh hơn mà còn công bằng và bình đẳng giới.
Bà June Yeonju Jeong, Trưởng Bộ phận Giao thông bền vững – Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chia sẻ tại Khóa đào tạo, dù Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế vượt bậc, nhưng những thách thức như ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông vẫn hiển hiện. Giao thông điện mang lại giải pháp môi trường rõ ràng, nhưng cần vượt qua quan niệm sai lầm rằng các chuyển đổi công nghệ là "trung lập về giới". Thực tế, các khoảng cách giới vẫn tồn tại và ảnh hưởng sâu sắc đến trải nghiệm di chuyển. Phụ nữ, với trách nhiệm chăm sóc gia đình, có mô hình di chuyển khác biệt và đối mặt với rào cản lớn hơn trong tiếp cận dịch vụ giao thông điện, và thiếu đại diện trong lực lượng lao động ngành. Nếu không giải quyết những thực tế này, quá trình chuyển đổi giao thông điện có nguy cơ chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ, bỏ lại số đông phía sau.
Phần đầu tiên của khóa học tập trung vào việc trang bị cho học viên một số khái niệm cơ bản về giới và giao thông điện. Qua sự hướng dẫn của PGS. TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam và ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Nhóm nghiên cứu Ứng phó với Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Công nghệ GTVT, học viên được tìm hiểu về giới, giới tính, vai trò giới, cũng như các khái niệm quan trọng như sự khác biệt giới, khoảng cách giới, nhu cầu giới. Các phương pháp tiếp cận như bao trùm giới, nhạy cảm giới, đáp ứng giới, và tầm quan trọng của bình đẳng giới, công bằng giới, phân tích giới, và lồng ghép giới trong các dự án giao thông cũng đã được làm rõ, tạo nền tảng vững chắc cho các nội dung tiếp theo. Học viên cũng được tìm hiểu về khái niệm "chuyển đổi công bằng" (Just Transition), đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi sang giao thông điện sẽ mang lại lợi ích đồng đều cho mọi người.
Phần 2 của khóa đào tạo đi sâu vào chủ đề "Giao thông điện bao trùm giới". Các học viên cùng nhau phân tích chi tiết các khoảng cách giới và rào cản giới cụ thể mà phụ nữ đối mặt khi tiếp cận và sử dụng giao thông điện. Buổi học cũng đã tập trung vào các cách tiếp cận chính sách về giới và phương pháp thiết kế giao thông điện nhạy cảm giới, nhằm đảm bảo các giải pháp được đưa ra không chỉ hiệu quả về mặt công nghệ mà còn đáp ứng được nhu cầu đa dạng của mọi đối tượng người dùng.
Phần cuối cùng của khóa đào tạo tập trung vào vai trò quan trọng của phụ nữ trong lĩnh vực giao thông điện, thách thức và cơ hội nghề nghiệp cho nữ giới trong ngành giao thông điện. Học viên thảo luận về vai trò then chốt của phụ nữ trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện một cách công bằng và bình đẳng giới, không chỉ với tư cách là người sử dụng mà còn là người trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển và đề xuất những chính sách cho tương lai giao thông bền vững.
Các hoạt động tương tác như thảo luận nhóm về giải pháp lồng ghép giới, trò chơi "tách vỏ hành" với các câu hỏi về giới và giao thông điện, cùng hoạt động vẽ tranh về giao thông an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em đã giúp học viên củng cố kiến thức và phát triển tư duy sáng tạo.
Khóa đào tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc trang bị kiến thức về giới và giao thông điện cho các cán bộ giảng viên, cán bộ dự án môi trường và sinh viên. Điều này nhằm sớm đưa các nội dung về giới vào giảng dạy trong các chương trình học và lồng ghép vào mọi giai đoạn của các dự án môi trường, đảm bảo cách tiếp cận toàn diện và bền vững.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đánh giá cao việc tổ chức khóa học này và khuyến khích khả năng nhân rộng tổ chức khóa học tương tự tại các cơ sở đào tạo tại Việt Nam, hướng tới một tương lai di chuyển công bằng và bền vững cho tất cả mọi người.
Thông tin về dự án: Dự án "Giao thông điện là nhân tố thay đổi: Hướng tới chuyển đổi sang giao thông điện công bằng và bình đẳng giới tại Việt Nam" do Trường Đại học Công nghệ GTVT triển khai theo chương trình hợp tác với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP). Dự án là một sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang giao thông bền vững, phát thải thấp tại Việt Nam. Mục tiêu: Mục tiêu cốt lõi là đảm bảo quá trình chuyển đổi sang sử dụng giao thông điện sẽ thúc đẩy vị trí, lợi ích của phụ nữ, tạo ra một hệ thống giao thông công bằng và bình đẳng giới. Hoạt động:
Thông tin liên hệ: Đ/c Nguyễn Thị Thu Hiền Nhóm Nghiên cứu Ứng phó với Biến đổi khí hậu Trường Đại học Công nghệ GTVT Số 54, Triều Khúc, Thanh Liệt, Hà Nội Điện thoại: +84 988022068 Email: hienntt@utt.edu.vn
|
Một số hình ảnh đẹp tại khóa đào tạo: