UTT tham dự Hội nghị đường sắt cao tốc Thế giới lần thứ 12 tại Bắc Kinh - Trung Quốc
Từ ngày 07 đến 11/7/2025, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã cử đoàn cán bộ tham dự Hội nghị đường sắt cao tốc Thế giới lần thứ 12 (WCHSR 2025) tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Hội nghị do Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc phối hợp với Liên minh Đường sắt Quốc tế (UIC) tổ chức, thu hút hơn 2.000 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm quan chức chính phủ, phái bộ ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia và học giả.
Với chủ đề "Đường sắt cao tốc: Đổi mới và phát triển vì một cuộc sống tốt đẹp hơn", hội nghị là diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn trong hoạch định chính sách, quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành khai thác hệ thống hạ tầng đường sắt cao tốc.
Đoàn đại biểu của Trường Đại học Công nghệ GTVT gồm PGS. TS. Lý Hải Bằng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ BIM & AI, Viện Công nghệ GTVT; TS. Trương Thị Mỹ Thanh - Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Giao thông đô thị; TS. Bùi Mạnh Lực - Bộ môn Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Khoa Công trình.
Hội nghị WCHSR 2025 đã thiết lập một nền tảng quan trọng để thảo luận về những tiến bộ công nghệ và chiến lược quản lý đột phá trong ngành đường sắt hiện đại, phản ánh rõ nét sự chuyển dịch từ phương pháp truyền thống sang các giải pháp công nghệ cao và xu hướng tích hợp hệ thống đa ngành. Các báo cáo nổi bật tập trung vào ba xu hướng công nghệ chính: phát triển hệ thống giám sát thông minh sử dụng cảm biến sợi quang để giám sát liên tục tình trạng đường ray; ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự đoán và phòng ngừa sự cố, điển hình là hệ thống TINO tự động phát hiện bất thường trên tuyến; và sự đổi mới trong vật liệu và kết cấu, với ví dụ về thiết bị giảm chấn tự phục hồi cho cầu đường sắt.
Ngoài ra, hội nghị cũng đề cập đến chiến lược quản lý vòng đời hệ thống (Life-Cycle Management) nhằm giảm thiểu chi phí bảo trì và kéo dài tuổi thọ công trình, cùng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua dự án RERA của UIC, đánh giá rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tất cả các nghiên cứu đều hướng tới khái niệm "đường sắt thông minh" toàn diện trong tương lai, kết hợp công nghệ giám sát tại chỗ và hệ thống cảnh báo sớm dựa trên AI. Đối với Việt Nam, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các công nghệ tiên tiến này, đặc biệt trong bối cảnh phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến metro đô thị, bao gồm xây dựng mạng lưới giám sát khí tượng - thiên tai chuyên dụng dọc tuyến, ứng dụng BIM, công nghệ đào hầm tiên tiến, và hệ thống bảo trì dự đoán.
Sự tham gia của Trường Đại học Công nghệ GTVT tại WCHSR 2025 đã khẳng định vị thế của Nhà trường trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong ngành đường sắt, đồng thời mang lại những kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển bền vững của hệ thống đường sắt cao tốc tại Việt Nam.
Trường Đại học Công nghệ GTVT