Sinh viên nghiên cứu khoa học: Khi nào nên bắt đầu?

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các trường Đại học. Trong suốt quá trình đào tạo, Trường Đại học Công nghệ GTVT luôn đề cao vai trò, tầm quan trọng của hoạt động NCKH và đặt ra nhiệm vụ cho các hoạt động NCKH của giảng viên và sinh viên, nâng cao uy tín và chất lượng Nhà trường. Tuy nhiên không phải bạn sinh viên nào cũng nắm được thời điểm vàng để bắt tay vào việc tham gia NCKH và vấn đề này cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mục tiêu cá nhân, lĩnh vực học tập và điều kiện cụ thể của từng sinh viên, quan trọng nhất là sinh viên cần nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học và chủ động tìm kiếm các cơ hội phù hợp với mình.

Bản chất của NCKH là gì? 

Nghiên cứu khoa học là một quá trình khám phá, tìm hiểu và giải quyết các vấn đề mang tính liên tục và đa dạng liên quan đến tự nhiên, xã hội và công nghệ. Bản chất của nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở việc phát hiện ra những điều hoàn toàn mới mẻ mà còn bao gồm cả việc phát triển, cải tiến và đưa ra sáng kiến ứng dụng mang lại giá trị cho cuộc sống.

Sinh viên UTT trong cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam - Robocon 2024 cấp Trường

Tham gia hoạt động NCKH khi nào là sớm, khi nào là muộn? 

Thực tế rất khó có câu trả lời cụ thể, vì bản chất của một hoạt động học thuật không có thời điểm quá sớm và quá muộn, khi bạn bắt đầu có ý tưởng triển khai một vấn đề và nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng đó thì chính thức được gọi là bạn đang nghiên cứu khoa học. Trên thế giới, có những bạn nhỏ chỉ mới độ tuổi 11,12 tuổi đã phát minh sáng chế ra thiết bị phát hiện trẻ em bị bỏ quên trong xe, máy phát hiện nước nhiễm chì, sáng chế ra chiếc ba lô cho trẻ em bị ung thư... hay thậm chí có ông J.B. Goodenough được trao giải Nobel Hóa học 2019 năm 97 tuổi, nổi tiếng trong cộng đồng học thuật với rất nhiều đóng góp quan trọng cho các lĩnh vực vật lý, hóa học và kỹ thuật, trong đó có phát minh về công nghệ tạo nên pin lithium-ion phổ biến hiện nay... Qua đây chúng ta có thể thấy nghiên cứu khoa học không giới hạn riêng cho một bộ phận hay một cá nhân nào mà dành cho tất cả mọi người và bất kỳ thời điểm nào.

Thời điểm vàng cho NCKH?

  • Đối với sinh viên năm thứ nhất

Ngay từ lúc bước chân vào giảng đường đại học, là sinh viên năm thứ nhất chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu để nghiên cứu khoa học. Sinh viên năm thứ nhất có thể tiếp cận nghiên cứu bằng việc tham gia sinh hoạt cùng các câu lạc bộ, hội nhóm trong trường để có cơ hội tham gia các cuộc thi như ý tưởng sinh viên khởi nghiệp, robocon, liên hệ giảng viên của mình để biết những dự án đang triển khai và xem liệu mình có thể tham gia cùng; tham gia hội thảo, diễn đàn, hội nghị do nhà trường tổ chức về kiến thức chuyên môn liên quan... Những thông tin này thường được cập nhật đầy đủ trên website cổng thông tin hoặc Fanpage chính thức của Nhà trường. 

Việc này không chỉ giúp phát triển kỹ năng nghiên cứu mà còn mở rộng kiến thức, tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực học tập. Tuy nhiên, việc bắt đầu nghiên cứu ngay từ năm nhất cũng gặp một số khó khăn, bởi lúc này các bạn còn phải học cách thích nghi với môi trường học tập mới và có thể chưa có đủ kiến thức cơ bản để tham gia vào các dự án nghiên cứu phức tạp. Do đó, việc tìm kiếm và lựa chọn các dự án nghiên cứu phù hợp với trình độ và khả năng của mình là điều cần thiết.

Sinh viên năm thứ nhất đang học cách thích nghi với môi trường mới ở bậc đại học

  • Đối với sinh viên năm thứ hai và năm thứ ba

Đây được xem là giai đoạn lý tưởng để chúng ta tập trung vào nghiên cứu khoa học, bởi vì sao? Ở giai đoạn này, các bạn đã tích lũy được khối kiến thức cơ bản về các môn đại cương và chuyên ngành, đã quen với môi trường, phương pháp học tập ở bậc đại học, quen với những bài thuyết trình, làm việc nhóm, tự tin hơn trong giao tiếp, có kinh nghiệm trong tìm kiếm, đọc, hiểu tài liệu, sách báo, giáo trình... Đồng thời, ở giai đoạn này thời gian học tập còn lại ở trường của các em đủ để thực hiện dự án nghiên cứu, đảm bảo tính liên tục và cho ra sản phẩm thực sự có chất lượng, điều này không chỉ đóng góp vào cộng đồng khoa học mà còn giúp sinh viên có một bộ hồ sơ rất đẹp và chất lượng, tạo bước đệm thành công cho sự nghiệp sau này.

Sinh viên năm thứ hai và thứ ba có đủ tự tin về kiến thức chuyên môn để tham gia NCKH

  • Đối với sinh viên năm cuối đại học

Một số sinh viên có thể chọn bắt đầu nghiên cứu khoa học vào năm cuối đại học, liệu điều này có thật sự phù hợp không? Đây là giai đoạn các bạn tích lũy được khối kiến thức sâu rộng nhất trên tất cả các lĩnh vực, từ đó có cái nhìn bao quát nhất, dễ dàng để triển khai một đề tài NCKH. Tham gia nghiên cứu trong năm cuối cũng giúp sinh viên củng cố và mở rộng kiến thức của mình, chuẩn bị tốt hơn cho các cơ hội học tập sau đại học như thạc sĩ và tiến sĩ. 

Tuy nhiên, tham gia nghiên cứu khoa học giai đoạn này các bạn dễ bị rơi vào áp lực, đặc biệt là mặt thời gian khi vừa phải hoàn thành bài tập lớn, thực tập, khóa luận tốt nghiệp, vừa phải hoàn thành sản phẩm nghiên cứu và có những định hướng tương lai, do đó nếu không sắp xếp kế hoạch phù hợp thì mọi việc sẽ bị chững lại, ảnh hưởng đến tâm lý. Để giảm bớt áp lực, sinh viên có thể chọn các dự án nghiên cứu ngắn hạn hoặc hợp tác với chuyên gia, nhà khoa học để có sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời.

Sinh viên năm cuối đại học mải chạy deadline cho các bài tập lớn, khóa luận tốt nghiệp

Như vậy chúng ta có thể thấy không có một thời điểm nào thực sự lý tưởng nhất cho tất cả sinh viên, việc lựa chọn lúc nào phụ thuộc vào sở thích, mục tiêu cá nhân, thời gian, điều kiện cụ thể của mỗi sinh viên. Tham gia NCKH sớm hay muộn đều đem lại rất nhiều lợi ích cho các bạn, đặc biệt là con đường lập nghiệp sau này. 

Trường Đại học Công nghệ GTVT