Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đào tạo Thạc sĩ và CTĐT thạc sĩ Logistics tại Pháp

Ngày 31/10, Trường Đại học Công nghệ GTVT tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đào tạo Thạc sĩ và CTĐT thạc sĩ Logistics tại Pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và chương trình đào tao thạc sĩ ngành Logistics đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp.

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Bách khoa Hauts-de-France, có GS.TS. Abdelghani Bekrar – Phụ trách đào tạo thạc sĩ Logistics.

Về phía Nhà trường có sự hiện diện của  TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo Phòng KHCN-HTQT; Phòng Đào tạo Sau Đại học; Khoa Kinh tế vận tải; Trung tâm đào tạo và tư vấn du học, việc làm quốc tế; Trưởng các Bộ môn cùng các giảng viên và sinh viên quan tâm đến dự.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, Logistics hiện nay là một trong những ngành có tốc độ phát triển mạnh mẽ kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành ngày càng tăng cao. Hiện tại có hàng ngàn doanh nghiệp đang rất lúng túng khi tìm kiếm lao động làm trong lĩnh vực này. Trước tình hình đó, UTT nói riêng và các trường đại học nói chung tăng cường đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các trường đại học trên thế giới để đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics gắn với xu thế và đáp ứng được yêu cầu của xã hội, trong đó có các trường đại học ở Pháp. Hợp tác quốc tế giúp chúng ta có cơ hội học hỏi về phương thức giảng dạy, chuẩn hóa mô hình giáo dục, tiếp cận gần hơn với các tiến bộ của khoa học công nghệ.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, GS. TS. Abdelghani Bekrar – Phụ trách đào tạo thạc sĩ Logistics Trường Đại học Bách khoa Hauts-de-France đã chia sẻ về “Mô hình đạo tạo thạc sĩ tại Pháp và các chương trình học bổng, chương trình liên kết đào tạo với Việt Nam”.

Theo đó, chương trình đào tạo ngành Logistics của Trường được chia làm hai loại hình, toàn thời gian và bán thời gian. Học toàn thời gian là học từ thứ 2 đến thứ 6; học bán thời gian là hình thức vừa học vừa làm, trong đó 3 ngày đi học ở trường, 3 ngày làm việc ở các doanh nghiệp, trong quá trình này các em được các doanh nghiệp trả lương .

Về cách thức tổ chức, khoá học được chia thành 4 kỳ, bao gồm kỳ 7,8,9,10. Một số môn học chính bao gồm: Logistic, điện tử, tối ưu hoá chuỗi cung ứng, công nghệ mới, vận tải đa phương thức, Tiếng Anh chuyên ngành. Ở học kỳ 10, có bài tập lớn, giống như bảo vệ luận án nhỏ… Trong quá trình học, các em sẽ đi thực tập 6 tháng tại doanh nghiệp.

Đội ngũ giảng viên của Trường giàu kinh nghiệm, đến từ các doanh nghiệp trong ngành, kết nối với các viện nghiên cứu trong ngành giao thông, có sự trao đổi thực tập ở nước ngoài, hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước như với Canada, Moroco, Italia. 

GS. TS. Abdelghani Bekrar – Phụ trách đào tạo thạc sĩ Logistics Trường Đại học Bách khoa Hauts-de-France chia sẻ tại Hội thảo

Sau khi tốt nghiệp các sinh viên có thể làm việc ở một số vị trí như quản lý chuỗi cung ứng, nhà phát triển công cụ, quản lý khoa học, quản lý vận tải, quản lý mua bán cung cấp hàng hoá, quản lý dự án Logistics, quản lý kho hàng…, bằng có tên là Thạc sĩ quản lý sản xuất ngành Logistics và quản lý mua bán.

TS. Ngô Thị Thanh Hương - Trường phòng KHCN-HTQT chủ trì buổi thảo luận tại Hội thảo

Tiếp theo chương trình, GS. TS. Abdelghani Bekrar chia sẻ về “Nội dung, tổ chức thực hiện, kết nối doanh nghiệp của chương trình đào tạo thạc sĩ Logistics tại Pháp”.

Để tăng hiệu quả đào tạo và sử dụng nhân lực logistics, đáp ứng xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành, Trường Đại học Bách khoa Hauts-de-France có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp logistics. GS. TS. Abdelghani Bekrar đã cung cấp một số thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, những yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp trong tuyển dụng và sử dụng nhân sự ngành Logistics tại Pháp…

Cuối chương trình là phần thảo luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo. Các vấn đề, câu hỏi được các đại biểu trao đổi, thảo luận như chương trình hợp tác đào tạo thạc sĩ ngành Logistics của hai đơn vị; vấn đề học phí, học bổng; vấn đề thực tập; năng lực ngoại ngữ đầu vào...

TS. Trần Thanh An - Trưởng Phòng Đào tạo Sau Đại học đóng góp ý kiến tại Hội thảo

TS. Hoàng Văn Lâm - Phó Trưởng Khoa Kinh tế vận tải tham gia thảo luận tại Hội thảo

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, Nhà trường sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chương trình đào tạo thạc sĩ, đẩy mạnh nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn và các kĩ năng mềm hướng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhà trường.

Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Trường Đại học Công nghệ GTVT