Sinh viên UTT được trang bị kỹ năng về An toàn thông tin trước yêu cầu chuyển đổi số

Ngày 26/5/2023, tại Hội trường lớn cơ sở đào tạo Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ GTVT tổ chức buổi tọa đàm “An toàn thông tin trước yêu cầu chuyển đổi số năm 2023” nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung cơ bản của Luật an ninh mạng đến toàn thể sinh viên Nhà trường và góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm An toàn thông tin trước yêu cầu chuyển đổi số năm 2023

Khách mời tham gia tọa đàm có Thiếu tá, TS. Hà Quang Huy, đại diện CATP Hà Nội. Về phía Nhà trường có TS. Nguyễn Văn Lâm- Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo Phòng đào tạo, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên và đông đảo các em sinh viên của Trường.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã dần trở thành yêu cầu bắt buộc, nhiều thách thức đặt ra về việc bảo mật dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng… Thanh niên, sinh viên Việt Nam là lực lượng tiên phong trong công tác thực hiện các hoạt động chuyển đổi số. Do đó, việc nâng cao nhận thức bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên trước yêu cầu chuyển đổi số hết sức cần thiết.

Tại buổi tọa đàm, các em sinh viên được Thiếu tá, TS. Hà Quang Huy giới thiệu chi tiết về Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng năm 2018 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5, ngày 12/6/2018 thông qua, có hiệu lực thi hành 01/01/2019. Luật An ninh mạng gồm 07 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thiếu tá Hà Quang Huy đã trực tiếp giao lưu, trao đổi với sinh viên để lắng nghe và giải đáp những câu hỏi thắc mắc xoay quanh các vấn đề an toàn thông tin trong thời đại chuyển đổi số: Tại sao thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại lại bị đối tượng xấu đánh cắp? Cách xử lý tình huống khi bị mạo danh cơ quan chức năng giả danh gọi điện? Các đối tượng đăng tin giả hoặc không chính thống lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?

Thiếu tá Hà Quang Huy- Học viện An ninh Nhân dân chia sẻ thông tin với sinh viên UTT tại buổi tọa đàm

Theo Thiếu tá Hà Quang Huy, một trong những nguyên nhân dẫn đến bị đánh cắp thông tin đều xuất phát từ chính thói quen sử dụng mạng xã hội của mỗi người. Khi chúng ta sử dụng thiết bị điện thoại thông minh để tạo ra các tài khoản như facebook, tiktok, zalo, tải nhiều phần mềm, ứng dụng miễn phí như chỉnh sửa ảnh, Microsoft office... thường xuyên đăng tải các thông tin cá nhân một cách công khai về trường học, nơi làm việc, ngày sinh, quê quán, các hình ảnh sinh hoạt thường ngày... 

Đặc biệt, trong những năm gần đây khi hoạt động mua bán online dần phổ biến, các dữ liệu cá nhân dường như chính thức được công khai hóa cả người mua và người bán, điều này trở thành tầm ngắm cho các công ty lừa đảo...

Sinh viên tham gia tọa đàm chăm chú lắng nghe chia sẻ từ diễn giả.

Trao đổi với sinh viên, TS. Hà Quang Huy đã trả lời nhiều thắc mắc cũng như đưa ra nhiều lời khuyên giúp sinh viên có thể nhận diện được nguy cơ lừa đảo thông qua những con số, hình ảnh và tình huống cụ thể. Dạng lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua mạo danh cơ quan chức năng; dạng lừa đảo chiếm đoạt cước viễn thông quốc tế, chúng ta không nên nghe hoặc gọi lại trước các số điện thoại nháy máy hoặc kết nối thời lượng ngắn; không nghe các cuộc gọi hiển thị dấu (+) hoặc số (00) ở đầu, 02 số tiếp theo không phải mã (84) của Việt Nam mà là mã của các nước có hạ tầng viễn thông sơ khai nên cước phí nghe và gọi rất cao. Ở dạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, chúng ta cần nắm rõ cách phòng tránh các cuộc gọi lừa đảo: nên bình tĩnh, tỉnh táo, không hoang mang, lo sợ; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng...

Thiếu tá Hà Quang Huy trao đổi trực tiếp với sinh viên về các vấn đề An ninh mạng và cách bảo vệ thông tin cá nhân trước yêu cầu chuyển đổi số

Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, thoải mái, cách chia sẻ gần gũi, buổi tọa đàm đã giúp các bạn sinh viên lĩnh hội được nhiều kiến thức về Luật An ninh mạng và nhận diện được các hành vi lừa đảo hiện nay của các đội tượng xấu. Từ đó đưa ra biện pháp về việc bảo mật dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trước các cuộc tấn công mạng hiện nay. Đây cũng là một trong những kỹ năng mềm quan trọng đối với các bạn sinh viên khi còn ngồi trên ghế Nhà trường cũng như trong các hoạt động hàng ngày.

Trường Đại học Công nghệ GTVT