Thông báo mở lớp ôn luyện thi Olympic Cơ học kết cấu ứng dụng tin học trong cơ học kết cấu năm 2022

Với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, máy tính điện tử đã trở thành công cụ đắc lực trong tính toán thiết kế và phân tích kết cấu công trình. Hiện nay có rất nhiều phần mềm tính toán mô phỏng bằng phương pháp phần tử hữu hạn được sử dụng trong các công ty, viện nghiên cứu và các trường đại học. Tuy nhiên, để tạo ra mô hình có kết quả chính xác và hiệu quả cao, người làm mô phỏng cần nắm vững kiến thức chuyên môn về cơ học kết cấu và các kỹ năng ứng dụng các công cụ mô phỏng tiên tiến.

Từ năm 2018, Hội Cơ học Việt Nam đã đưa môn thi Ứng Dụng Tin Học (UDTH) trong Cơ học Kết cấu thành một trong 12 môn thi sinh viên giỏi cơ học toàn quốc, nhằm khuyến khích sinh viên khối ngành kỹ thuật (công trình, cơ khí) sớm tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin trong các môn học phân tích kết cấu.

Chuẩn bị cho kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc, dự kiến diễn gia vào giữa tháng 6 năm 2022, Bộ môn Công nghệ Vật liệu và Kết cấu Công trình thông báo mở lớp ôn luyện thi Olympic Cơ học kết cấu Ứng dụng tin học trong cơ học kết cấu. Sinh viên khi tham gia đội tuyển sẽ được trang bị thêm tư duy, kiến thức, kỹ năng phân tích và lập trình mô phỏng kết cấu bằng phần mềm ANSYS; rèn luyện khả năng chủ động trong học tập, giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ thầy và một số anh chị khóa trước. Ngoài ra, các bạn sinh viên được chọn tham gia đội tuyển Olympic toàn quốc sẽ được điểm 10 môn Cơ học Kết cấu 2.

Hình thức học: trực tuyến trên phần mềm Zoom

️Thời gian: 18h30-20h thứ 2,3,4,5 hàng tuần (Dự kiến bắt đầu từ thứ 5, ngày 5/5/2022 tới ngày 06/06/2022)

Nội dung:

1. Kiến thức cơ bản về phương pháp phần tử hữu hạn. Áp dụng cho kết cấu dạng thanh (dầm, dàn)

2. Kiến thức cơ bản về phân tích và mô phỏng kết cấu

3. Thực hành ứng dụng mô phỏng kết cấu bằng phần mềm ANSYS APDL (Sử dụng giao diện)

4. Lập trình mô phỏng kết cấu thanh phẳng bằng ANSYS APDL

Giảng viên: TS. Lê Nguyên Khương, Trưởng Bộ môn Công nghệ Vật liệu và Kết cấu Công trình, Khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ GTVT. Thầy Khương có hơn 10 năm nghiên cứu, phát triển các mô hình và công cụ tính toán theo phương pháp PTHH, tham gia nhiều dự án thực tế trong và ngoài nước liên quan tới tính toán động đất cho nhà cao tầng, động lực học cầu đường sắt tốc độ cao, sụp đổ lũy tiến, cơ học phá hủy.

Điều kiện tham gia đội tuyển:

• Sinh viên năm 2,3 hoặc 4 – Khoa Công Trình, Khoa Cơ Khí, Trường Đại học Công nghệ GTVT.

• Có máy tính cá nhân (laptop hoặc máy tính để bàn)

Link đăng ký tham gia: https://forms.gle/HdprBhjMdiCcjuqp8