Doanh nghiệp Nhật Bản “đặt hàng” sinh viên UTT

Doanh nghiệp Nhật Bản “đặt hàng” sinh viên UTT

Xuất phát từ nhu cầu thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại Nhật Bản, trong hai năm qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đến đặt hàng Trường Đại học Công nghệ GTVT đào tạo nguồn nhân lực “chuẩn Nhật” để sang Nhật làm việc.

Sinh viên học lớp “chuẩn Nhật” của ĐH Công nghệ Giao thông vận tải

Theo đó, sinh viên học lớp “chuẩn Nhật” này, ngoài được học các kiến thức chuyên ngành được thiết kế theo yêu cẩu của doanh nghiệp, còn được học tiếng Nhật, đảm bảo chuẩn đầu ra tối thiểu N3, được đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng hội nhập với nước bản địa.

Trong 3 năm học đầu tiên, mỗi năm sinh viên sẽ tham gia kỳ trải nghiệm doanh nghiệp 2 tháng tại các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhằm làm quen với môi trường, văn hóa doanh nghiệp, tác phong, kỷ luật, an toàn lao động, tham gia một số công đoạn sản xuất tạo ra sản phẩm cho doanh nghiệp và được doanh nghiệp trả lương.

Doanh nghiệp Nhật Bản phát biểu tại Lễ khai giảng lớp “chuẩn Nhật”

Sau 3 năm, sinh viên đạt chuẩn tiếng Nhật N3 sẽ được doanh nghiệp đưa sang Nhật thực tập kỹ năng từ 1-3 năm tại các nhà máy xí nghiệp, được các doanh nghiệp trả lương từ 35-40 triệu đồng/1 tháng, sau đó trở về Việt Nam bảo vệ đồ án tốt nghiệp lấy bằng đại học và tiếp tục sang Nhật làm việc theo diện kỹ sư cho các doanh nghiệp.

TS Nguyễn Văn Lâm- Trưởng phòng đào tạo cho biết, năm 2018, Nhà trường bắt đầu đào tạo 65 sinh viên “chuẩn Nhật” theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp Nhật với 2 ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

TS Lâm đánh giá sau gần 1 năm học tập, sinh viên các lớp chuẩn Nhật có kết quả học tập rất cao, ý thức, tác phong, kỷ luật hơn hẳn sinh viên một số lớn đại trà.

Hiện nay các em đang tham gia kỳ trải nghiệm doanh nghiệp tại Công ty Canon Việt Nam, được công ty trả lương gần 6 triệu đồng/ 1 tháng. Năm 2019, các doanh nghiệp tiếp tục đặt hàng 500 chỉ tiêu các ngành Công nghệ kỹ thuật giao thông; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Sinh viên lớp “chuẩn Nhật” nghe phổ biến trước khi tham gia kỳ trải nghiệm doanh nghiệp tại Công ty Canon Việt Nam.

Theo PGS.TS Đào Văn Đông- Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT, mô hình đào tạo “chuẩn Nhật” này rất phù hợp với phương châm đào tạo “Ứng dụng- Thực học- Thực nghiệp” của Nhà trường tức là đào tạo theo định hướng ứng dụng công nghệ; sinh viên ngoài được học lý thuyết trên lớp còn được học thực hành trên các mô hình, máy móc, thiết bị thật tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành của Trường.

Sinh viên được thực tập làm việc thật tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng thời gian thực hành, thực tập chiếm tới 40-50% tổng thời gian đào tạo; sinh viên được các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, hỗ trợ học phí, cấp học bổng, trả lương thực tập và cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

“Tham gia mô hình này, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được chủ động, ổn định về số lượng cần tuyển để phục vụ chiến lược phát triển của doanh nghiệp, rút ngắn được thời gian đào tạo lại. Đặc biệt là doanh nghiệp có được nguồn nhân lực được đào tạo bài bản “chuẩn Nhật” ngay từ đầu về chuyên môn, tiếng Nhật, đến ý thức, tác phong, kỷ luật và văn hóa doanh nghiệp- các nhân tố quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Còn sinh viên thì ngay khi bước chân vào trường đại học đã biết ngay được tương lai về công việc, nơi làm việc của mình trong 4-5 năm nữa và một yếu tố rất quan trọng là tham gia chương trình này sinh viên không những có được một tấm bằng đại học chính quy; mà còn có kinh phí để chi trả toàn bộ học phí và tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng sau khi kết thúc khóa học” - PGS Đông nhấn mạnh.

Tổng hợp từ UTT và Dantri