Kỹ sư CNKT XDCT Đường thủy và Công trình biển

Kỹ sư CNKT XDCT Đường thủy và Công trình biển

Tên tiếng Việt: CNKT Xây Dựng Công Trình Đường Thủy và Công trình Biển

Tên tiếng Anh: Coastal and Waterway Construction Engineering Technology

Thời gian đào tạo: 4,5 năm

Văn bằng tốt nghiệp: Kỹ sư Công nghệ kĩ thuật giao thông

Nhu cầu nguồn nhân lực:

Việt Nam là một quốc gia ven biển có 3.260 km bờ biển, 2.360 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài trên 80.577km. Trong đó gần 42.000km có hoạt động GTVT thủy.Hầu hết các con sông đều chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đổ ra biển, có khoảng 130 cửa sông đổ ra biển, tính trung bình cứ 25km lại có một cửa sông, hình thành một mạng lưới giao thông thuỷ với nhiều cảng biển nằm trong các cửa sông, tạo lợi thế lớn cho sự phát triển hệ thống kinh tế mở và các loại hình vận tải, dịch vụ hàng hải, du lịch.

Để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, tạo điều kiện hội nhập với khu vực và quốc tế, nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta khuyến khích khai thác tiềm năng kinh tế biển, tạo luồng giao thông thuỷ sông - biển.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Dự kiến lượng hàng thông qua toàn bộ hệ thống cảng biển tại các thời điểm trong quy hoạch như sau: 500 ÷ 600 triệu T/năm vào năm 2015; 900 ÷ 1.100 triệu T/năm vào năm 2020; 1.600 ÷ 2.100 triệu T/năm vào năm 2030. Chú trọng phát triển các cảng nước sâu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam tạo những cửa mở lớn vươn ra biển xa có sức hấp dẫn ảnh hưởng tới địa bàn các nước lân cận trong khu vực.

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khối lượng hàng hóa ĐTNĐ sẽ đạt khoảng 586 triệu tấn và luân chuyển đạt khoảng 127.000 triệu tấn.km. Hành khách đạt khoảng 355 triệu lượt hành khách và luân chuyển đạt khoảng 7.600 triệu hành khách.km. Tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa công nghệ quản lý, xếp dỡ, nâng cao chất lượng dịch vụ, có giá thành hợp lý và bảo vệ môi trường tại các cảng ĐTNĐ. Nâng cấp, mở rộng nâng cao năng lực các cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện hiện có. Đầu tư phát triển các cơ sở mới ở khu vực phía Bắc và phía Nam để đáp ứng nhu cầu phát triển đội tàu theo hướng hiện đại hóa phương tiện.

Quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển đến 2020, định hướng 2030, tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa vận tải sông pha biển đảm nhận khoảng 30,3 triệu tấn, tổng khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 20.743 triệu T.km.

Để tiếp tục phát huy các tiềm năng của biển trong thế kỷ XXI, Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh "Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”.

Như vậy, có thể nói tiềm năng phát triển ngành giao thông đường thủy nội địa, đường biển, pha sông biển và phát triển kinh tế biển còn rất lớn, nên nhu cầu về nguồn nhân lực (chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, …) cũng rất lớn, là cơ hội thuận lợi cho sinh viênngành Công trình Đường thủy và Công trình Biển lựa chọn công việc sau khi tốt nghiệp.

Cơ hội nghề nghiệp và vị trí việc làm sau tốt nghiệp:

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ làm việc với chức danh kỹ sư tại:

- Các công ty tư vấn thiết kế xây dựng; Công ty xây dựng công trình; Ban quản lý dự án về lĩnh vực xây dựng Cảng, Đường thủy, đóng mới và sửa chữa phương tiện thủy, công trình bảo vệ và tôn tạo bờ biển, công trình dầu khí.
- Các công ty quản lý, khai thác và kiểm định công trình cảng; các nhà máy, khu công nghiệp có bến cảng hoạt động.
- Các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, quản lý khoa học và công nghệ về xây dựng công trình ở Trung ương và địa phương.
- Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực: Xây dựng; Giao thông; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Công trình đường thủy; Công trình bảo vệ và tôn tạo bờ biển; công trình Dầu khí và các ngành kinh tế khác có liên quan đến chuyên ngành đào tạo.
Tương tự như các ngành đào tạo khác trong Trường, sinh viên chuyên ngành Xây dựng Công trình Đường thủy và Công trình Biển sau khi ra trường thường khá năng động tự tìm việc làm tại các cơ quan khác nhau như Trường, Viện, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, đơn vị quản lý,… hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành Xây dựng Cảng, Đường thủy, công trình bảo vệ và tôn tạo bờ biển hoặc cả các chuyên ngành khác như Xây dựng Cầu đường, Xây dựng Dân dụng, Vật liệu Xây dựng, Kỹ thuật môi trường, Kinh tế Xây dựng, v.v…