Đến 2020 ngành GTVT cần trên 36.000 vị trí việc làm

Đến 2020 ngành GTVT cần trên 36.000 vị trí việc làm

Đến năm 2020, ngành GTVT phải phấn đấu hoàn thành thêm 1.300km đường cao tốc Bắc - Nam. Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại cuộc họp về Đề án đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2020, chiều ngày 29/6/2016.

Được biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 31 tuyến, với tổng chiều dài 6.411km. Cụ thể bao gồm: tuyến cao tốc Bắc - Nam kết nối các vùng kinh tế từ Bắc đến Nam (2 tuyến, chiều dài 3.083km); hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc (14 tuyến kết nối với thủ đô Hà Nội, chiều dài 1.368km); hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên (3 tuyến, chiều dài 264km); hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam (7 tuyến, chiều dài 983km) và đường Vành đai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (5 tuyến, chiều dài 723km). Về tình hình đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hiện đã đưa vào khai thác 4 tuyến, tổng chiều dài 171km (Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (40km), TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (51km); các tuyến đang triển khai thi công dài 302km, gồm các tuyến La Sơn - Túy Loan (dài 66km), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 127km), Bến Lức - Long Thành (dài 55km), Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 54km). Do đó, với các dự án đã hoàn thành, các dự án đang triển khai thì đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 473km. Để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.304km, trong đó để thông tuyến đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh phải đầu tư hoàn thành 1.280km (tính theo chiều dài các tuyến cao tốc đang chuẩn bị đầu tư).

cao tốc việt nam
Đến năm 2020 ngành GTVT cần thêm 36.000 cán bộ kỹ thuật thi công 1.300 km đường cao tốc Bắc - Nam

Như vậy để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Giao thông vận tải nói chung và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc nói riêng đến năm 2020 đòi hỏi số lượng lớn nguồn nhân lực cần phải được đào tạo. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1216/QĐ-TTg  ngày 22/7/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra phương hướng phát triển nhân lực Ngành giao thông vận tải đến năm 2020:

“…Tổng số nhân lực ngành giao thông vận tải đến năm 2020 tăng lên hơn 630 nghìn người, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo là khoảng 97,0%. Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề khoảng 4,5%; trình độ trung cấp khoảng 58%; trình độ cao đẳng khoảng 28%; trình độ đại học và trên đại học khoảng 9,5%.  Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo cần được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc đến năm 2020 chiếm khoảng 30,0 - 35,0% trong tổng số nhân lực đã qua đào tạo…”. Và tại Quyết định số 1576/QĐ-BGTVT ngày 19/7/2011 của Bộ GTVT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành GTVT giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 cần phải đào tạo thêm khoảng 36.105 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học cho các lĩnh đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, công nghiệp cơ khí và xây dựng hạ tầng giao thông.

lộ trình cao tốc bắc nam
Toàn cảnh đường cao tốc Bắc - Nam 1.800 km

Đây là cơ hội rất lớn về việc làm dành cho sinh viên theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải.