Nhu cầu hoàn thiện hạ tầng Logistics tại Việt Nam

Nhu cầu hoàn thiện hạ tầng Logistics tại Việt Nam

Logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu - thương mại, kênh phân phối, bán lẻ… Sự tác động của logistics đến hoạt động đến sự phát triển kinh tế là rất rõ ràng. Vì thế, việc phát triển, hoàn thiện logistics và hạ tầng giao thông tại Việt Nam là nhu cầu rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

1. Chí phí logistics: thách thức lớn của sản xuất và lưu thông hàng hoá

Chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan... Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics quốc gia của Việt Nam tương ứng với các ngành sản xuất giá trị gia tăng của quốc gia là 413.141 tỷ đồng. Con số này đại diện cho 16,8% tổng sản phẩm quốc nội GDP. Một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, như Armstrong & Associates, Inc. (Mỹ), hàng năm đều có nghiên cứu và công bố về chi phí dịch vụ logistics của các nước dựa trên công bố chính thức của các nước. Theo báo cáo của Công ty này công bố tháng 02/2018 thì, chi phí logistics của một số nước như sau: Mỹ 8,2%, Trung Quốc 14,5%, Malaysia 13%, Philipine 13%, Thái Lan 15% và Singapore 8,5%. Thái Lan trong Chiến lược phát triển logistics 2007 - 2011 đề ra mục tiêu giảm chi phí logistics từ 19% năm 2005 xuống còn 16% năm 2011, năm 2017 giảm chỉ còn 15%.

Chi phí logistics trên GDP năm 2018

Hình 1. Chi phí logistics trên GDP năm 2018

Chi phí logistics chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng giá thành sản phẩm nên chi phí này tăng cao kéo theo giá thành hàng hóa bị đẩy lên cao. Và đây là “thách thức” không nhỏ đối với doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam thời điểm hiện tại.

2. Nhu cầu đầu tư hoàn thiện hạ tầng logistics

Cắt giảm chi phí logistics không chỉ là mục tiêu của Việt Nam mà còn là mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để cắt giảm chi phí logistics, có rất nhiều giải phảp như ứng dụng công nghệ số hay nâng cao trình độ của nhân viên cung cấp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, một trong những yếu tố căn bản để giảm chi phí logistics là giảm chi phí vận tải, thông qua quy hoạch hợp lý và kết nối hiệu quả hạ tầng logistics.

Thực tế đã cho thấy, trong các yếu tố làm tăng chi phí logistics ở Việt Nam thì chi phí vận tải vẫn là thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong đó, một trong những điểm chưa tốt là chi phí phi chính thức có tỷ trọng vẫn còn cao trong tổng chi phí vận tải đường bộ, so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường biển, đường sắt và đường bộ; thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hoá.

Cảng biển giữ vai trò quan trọng trong xuất nhập khẩu hàng hoá

Hình 2. Cảng biển giữ vai trò quan trọng trong xuất nhập khẩu hàng hoá

Vận tải đa phương thức để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phát triển hiệu quả ở Việt Nam. Kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn tiếp tục là vấn đề hạn chế, là nguyên nhân dẫn đến chi phí vận tải còn cao. Chỉ riêng trong lĩnh vực vận tải,  theo số liệu từ doanh nghiệp thì trong chi phí vận tải đường bộ, xăng dầu chiếm khoảng 30 - 35%, phí cầu đường (BOT) bình quân chiếm khoảng 10-15%, phí ngoài luồng xấp xỉ 5%.

Công bố quy hoạch trung tâm logistics và kết nối giao thông tại Bắc Ninh

Hình 3. Công bố quy hoạch trung tâm logistics và kết nối giao thông tại Bắc Ninh

3. Vai trò của quy hoạch và thiết kế mạng lưới hạ tầng logistics

Hệ thống hạ tầng logistics của Việt Nam hiện nay bao gồm hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, các trung tâm logistics, trung tâm chia chọn, hệ thống kho bãi.

Hạ tầng logistics và các phương thức vận tải

Hình 4. Hạ tầng logistics và các phương thức vận tải

Hệ thống đường bộ Việt Nam hiện có tổng chiều dài 570.448 km, trong đó quốc lộ 24.136 km, đường cao tốc 816 km, đường tỉnh 25.741 km, còn lại là đường giao thông nông thôn (Bộ GTVT, 2018).

Mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam có 7 tuyến chính với tổng chiều dài gần 3.160 km, mật độ đạt 7,9 km/1000 km2 , trong đó 2.646 km đường chính tuyến và 514 km đường ga/ nhánh, bao gồm 3 loại khổ ray mà chủ yếu là khổ đường 1,000 mm (chiếm 84%), còn lại là khổ đường 1.435 mm (6%) và khổ đường lồng (9%). Hiện nay, diện tích nhà ga, kho ga phục vụ vận chuyển đường sắt và trung chuyển với các phương thức vận tải khác vào khoảng 2.055.110 m2 . Diện tích ke ga, bãi hàng vào khoảng 1.377.621 m2.

Về các tuyến đường thủy nội địa Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi, có tới 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900 km, mật độ bình quân 0,27 km/1 km2 , có 124 cửa sông, là một nước có mật độ sông, kênh vào loại lớn trên thế giới. Tổng chiều dài đường thủy nội địa toàn quốc đang quản lý khai thác là 17.253 km.

Theo Quyết định 236/QĐ-TTg được Thủ tướng phê duyệt ngày 23/2/2018, đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác tổng cộng 28 sân bay gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế, trong đó Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là các cửa ngõ quốc tế trọng điểm. Dự kiến, đến năm 2020, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt khoảng 131 triệu hành khách/năm và 2,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Hàng không Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đứng thư tư trong ASEAN về sản lượng vận chuyển, phát triển đội tàu bay và hệ thống cảng hàng không (Bộ GTVT, 2018).

Tuy nhiên, một trong những thách thức rất lớn hiện nay là việc khai thác hệ thống hạ tầng logistics hiện nay chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa các thành phần trong hệ thống. Hệ thống vận tải chủ yếu dựa vào giao thông đường bộ, các cảng cạn đang trong quá trình phát triển, các trung tâm logistics có quy mô nhỏ, thiết kế nối với hạ tầng giao thông và hệ thống cảng biển và cảng hàng không.

Do đó, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics, cần phát triển từ nhiều hướng từ chính sách và hành lang pháp lý, thu hút đầu tư, quy hoạch và thiết kế, phát triển nguồn nhân lực về hạ tầng logistics.

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, Trường Đại học Công nghệ GTVT chính thức tuyển sinh chuyên ngành Logistics và hạ tầng giao thông trình độ Đại học, nhằm mục tiêu đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực về hạ tầng logistics tại Việt Nam. Đây được xem là một trong số những giải pháp hiệu quả nhằm hoàn thiện hạ tầng logistics trong tương lai.

Khoa Công trình - Trường ĐH Công nghệ GTVT