Tuyển sinh đại học 2022: Lý do các trường đại học dùng nhiều phương thức tuyển sinh

Tuyển sinh đại học 2022: Lý do các trường đại học dùng nhiều phương thức tuyển sinh

Việc áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhằm đáp ứng chất lượng đầu vào đồng thời đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho mọi học sinh.

Từ năm 2020, sau khi cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học cùng có hiệu lực thi hành (1/7/2020 và 1/7/2019), Bộ giáo dục và Đào tạo chuyển kỳ thi THPT quốc gia thành thi tốt nghiệp THPT. Do đó, kỳ thi không còn mang tính chất "hai trong một" nữa mà chủ yếu để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Khi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi được thiết kế dễ hơn, từ đó thiếu khả năng phân hóa thí sinh. Vì vậy, các trường đại học - đặc biệt là những trường top đầu, đa dạng ngành nghề đào tạo - không thể chỉ chờ kết quả kỳ thi tốt nghiệp để tuyển sinh. Họ phải bổ sung các phương thức khác hoặc đưa ra tiêu chí phụ trong xét tuyển. Đây là nguyên nhân đầu tiên khiến các trường đại học thường có 5-7 phương thức tuyển đầu vào.

Tại Đại học Ngoại thương, Hiệu phó Phạm Thu Hương, cho biết mỗi chương trình đào tạo đặt ra những yêu cầu tuyển chọn người học khác nhau để tương thích với mục tiêu, chuẩn đầu ra. Vì vậy, trường Ngoại thương sử dụng 6 phương thức tuyển sinh trong năm nay.

Cụ thể, 4/6 phương thức của trường liên quan đến học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực kết hợp các điều kiện phụ, chiếm khoảng 65% tổng chỉ tiêu. Những phương thức này dùng để tuyển sinh cho các chương trình dạy bằng tiếng Việt. Đối với các chương trình dạy bằng ngoại ngữ, bên cạnh những tiêu chí chung về tư duy, học sinh phải đảm bảo năng lực ngoại ngữ.

"Việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh là để phù hợp với các chương trình đào tạo, đồng thời cũng không đi ngược nguyên tắc kép của trường: đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học của mọi học sinh và mang lại môi trường học tập có tính hội nhập cao cho sinh viên Việt Nam", bà Hương nói.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Hiệu phó Đại học Giao thông Vận tải, cho rằng, đưa ra nhiều phương thức là phù hợp với thực tiễn, yêu cầu tự chủ trong tuyển sinh, đồng thời vẫn đảm bảo công bằng cho người học. Bởi chỉ tiêu ở từng phương thức là riêng biệt, thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này sẽ không được xét tuyển bằng phương thức khác trong cùng một trường.

"Dù xét tuyển bằng hình thức nào, mọi tiêu chí đều dựa vào những gì các em học được ở bậc THPT. Vì vậy, ai có kiến thức đủ mạnh, đủ điều kiện vẫn sẽ có cơ hội trở thành sinh viên các trường đại học", ông Chương khẳng định.

Ông Chương nói thêm, phụ huynh, thí sinh lo lắng có thể bị rối khi tìm hiểu thông tin thi, xét tuyển. Tuy nhiên, chỉ cần biết lọc thông tin tuyển sinh một cách khoa học, thí sinh và gia đình sẽ dễ dàng tìm thấy phương án phù hợp với mình.

Lý do thứ hai, theo đại diện các trường, giữ ổn định sự đa dạng của các phương thức tuyển sinh còn nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

PGS.TS Hương cho rằng, trong khi Việt Nam chưa có kỳ thi chuẩn hóa phù hợp để làm căn cứ xét tuyển đại học, đa dạng phương thức tuyển sinh mang đến nhiều cơ hội hơn cho thí sinh. Các em có thêm lựa chọn phù hợp với năng lực và mục tiêu nghề nghiệp của mình. Chính vì khía cạnh tích cực này mà theo bà, việc tinh gọn chỉ thực sự nên tiến hành nếu phát hiện bất cập ở một phương thức nào đó.

Mỗi năm, Đại học Ngoại thương đều đánh giá chất lượng tuyển sinh thông qua phân tích kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên, rồi đối chiếu với phương thức các em trúng tuyển để có điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, bà Hương lưu ý việc điều chỉnh này cần có lộ trình dài, từng bước, bởi bất kỳ thay đổi đột ngột nào về tiêu chí, chỉ tiêu của các phương thức cũng có thể ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị của thí sinh.

PGS TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông giải thích, quá trình các em tìm hiểu, cải thiện thành tích cá nhân để phù hợp với tiêu chí của các phương thức thường diễn ra trong thời gian dài, nhiều em chuẩn bị từ khi lên lớp 10 và 11. Nếu đột ngột thay đổi, thí sinh sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Chính vì lý do trên, dù mới công bố đề án tuyển sinh năm 2022 dự kiến, trường Kinh tế Quốc dân thông tin khá chi tiết về tiêu chí, cách quy đổi điểm của từng nhóm thí sinh. Việc giữ ổn định như các năm trước nhằm giúp các em dễ dàng xác định mình thuộc nhóm nào, khả năng đến đâu và tránh nhầm lẫn không đáng có.

"Chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đánh giá trong từng phương thức. Có thể trường sẽ tinh gọn các phương thức, nhưng đây là việc của những năm sau", ông Triệu khẳng định.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, có khoảng 13 phương thức tuyển sinh đại học được sử dụng trong năm 2022. Các phương thức này khác nhau từ cách tổ hợp môn thi, hình thức xét tuyển, tiêu chí phụ cho đến chỉ tiêu... khiến nhiều phụ huynh cảm thấy như bị đánh đố. Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực tế này phù hợp với quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Khi công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 hồi tháng 10/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh, những trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ nên sử dụng điểm thi tốt nghiệp làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức thi hoặc xét tuyển bổ sung nhằm chọn lọc thí sinh tốt hơn.

Bên cạnh việc khuyến khích tự chủ, đa dạng phương thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo các trường khi đưa ra những phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh cần đảm bảo sự ổn định, tránh gây xáo trộn, biến động lớn, ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh.

"Khi có những thay đổi lớn, các trường cần thông báo trước với xã hội, dự trù thời gian để thí sinh có thời gian chuẩn bị cho việc ôn luyện", bà Thủy nhấn mạnh.

Đại học Công nghệ GTVT