Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật

Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật

GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH LUẬT

1. Ngành Luật là gì?
Ngành luật là ngành học trang bị cho sinh viên những hiểu biết về hệ thống pháp luật một cách đầy đủ và toàn diện để có thể hành nghề luật hoặc làm các công việc khác, đặc biệt nếu được trang bị kiến thức luật là một lợi thế.

2. Chương trình học ngành Luật ở Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải trang bị cho sinh viên điều gì?
Chương trình đào tạo đại học ngành Luật được xây dựng theo định hướng Ứng dụng – Thực học – Thực nghiệp ở trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải với mục đích trang bị cho người học có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức; nắm vững kiến thức cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng; có kiến thức về tin học và ngoại ngữ; có kiến thức lý luận toàn diện, chuyên sâu về pháp luật và pháp luật trong ngành Giao thông vận tải; có kỹ năng mềm, kỹ năng nghiên cứu và thực hành nghề luật; có năng lực làm việc độc lập hoặc theo nhóm và có khả năng chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc nghiên cứu, truyền bá và ứng dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh, đáp ứng với yêu cầu của ngành Giao thông vận tải và trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

3. Cấu trúc của Chương trình học ngành Luật ở Trường ĐH Công nghệ GTVT có bao nhiêu tín chỉ?

Kiến thức

Bắt buộc

Tự chọn

Tổng số (Tín chỉ)

1. Kiến thức giáo dục đại cương

27

6

33

2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

88

14

102

2.1. Kiến thức cơ sở ngành

12

4

16

2.2. Kiến thức ngành

60

10

70

2.3. Thực hành, thực tập nghề nghiệp

4

 

4

2.4. Thực tập tốt nghiệp

4

 

4

2.5. Khóa luận tốt nghiệp

8

 

8

Tổng số

115

20

135

Ghi chú: Nhìn tổng quan vào chương trình và cấu trúc này, sinh viên được đào tạo chuyên sâu về luật và một số lĩnh vực luật đặc thù của ngành Giao thông vận tải, sinh viên ra trường có thể có cơ hội việc làm ngay trong ngành GTVT và ngoài xã hội.

4. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Luật ở trường ĐH Công nghệ GTVT?

            Theo khảo sát mới đây (của Khoa Luật – Chính trị), nhân sự cần cho ngành luật là rất lớn: các công ty, doanh nghiệp đều thiếu hụt nhân sự được đào tạo chính quy về ngành luật, chỉ tính riêng chức danh pháp chế trong các công ty, doanh nghiệp thiếu hụt trên 70% nhân sự, và khi phát phiếu hỏi trực tiếp 57 đơn vị thì có đến 24/57 (42,1%) công ty, doanh nghiệp trả lời gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự ngành luật, v.v…. Điều này, có thể thấy sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm rộng mở và đảm nhận nhiều vị trí việc làm theo nhóm như sau:

Nhóm 1: Làm việc tại các cơ quan bảo vệ tư pháp như: Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án, Công an, v.v..; các cơ quan, doanh nghiệp; các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhóm 2: Làm việc tại các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý như: Văn phòng luật sư, công ty luật, văn phòng công chứng, thừa phát lại, quản tài viên, v.v…của Việt Nam và nước ngoài; hoặc khả năng làm việc độc lập khi đã tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng hành nghề luật.

Nhóm 3: Làm việc tại các cơ sở đào tạo, giáo dục như: giảng viên, hoặc nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu, v.v..

Nhóm 4: Làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế có các hoạt động liên quan đến pháp luật.

5. Tại sạo lại lựa chọn học ngành Luật ở trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải?

- Chương trình đào tạo ngành luật linh hoạt; lộ trình rõ ràng, không nặng về kiến thức đại cương và cơ sở ngành, chủ yếu tập trung vào kiến thức chuyên sâu của ngành luật và các lĩnh vực đặc thù của ngành Giao thông vận tải theo định hướng Ứng dụng – Thực học – Thực nghiệp nhằm mục đích đáp ứng ngay với vị trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp; đồng thời trong quá trình học, sinh viên có thể học vượt để rút ngắn quá trình đào tạo và ra trường trước kỳ hạn;

- Đội ngũ giảng viên của Khoa Luật – Chính trị có nhiều năm kinh nghiệm, nhiệt tình và tâm huyết. Hiện nay, Khoa có 22 giảng viên, trong đó có 10 tiến sĩ, 01 NCS và 11 thạc sĩ, cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học được Khoa mời thỉnh giảng có trình độ chuyên sâu về ngành luật. Đồng thời, Khoa có thể kết nối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty luật có uy tín, các doanh nghiệp lớn, tòa án, viện kiểm sát, liên đoàn luật sư của thành phố Hà Nội,v.v… để các em đến thực hành, thực tập nghề nghiệp, học hỏi, trau dồi kỹ năng làm việc và phát triển bản thân.