Hội nghị khoa học về Trí tuệ nhân tạo trong phân tích Địa kỹ thuật và ra mắt nhóm nghiên cứu mạnh Địa kỹ thuật và Trí tuệ nhân tạo

Ngày 30/3/2018, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị khoa học về Trí tuệ nhân tạo trong phân tích Địa kỹ thuật và ra mắt nhóm nghiên cứu mạnh Địa kỹ thuật và Trí tuệ nhân tạo.


Toàn cảnh hội nghị khoa học về Trí tuệ nhân tạo trong phân tích Địa kỹ thuật

Địa kỹ thuật là một lĩnh vực quan trọng, không thể tách rời các công trình xây dựng, có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề về cơ học đất, cơ học đá, địa chất công trình, nền và móng nhằm đảm bảo ổn định khai thác cho các công trình và phát triển bền vững. Vài năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo đã và đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng như khoa học tự nhiên để giải quyết những vấn đề thực tế của cuộc sống, bước đầu cho thấy hiệu quả và lợi ích mang lại vượt trội. Với lĩnh vực Địa kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo được dùng để dự báo tính chất xây dựng của vật liệu đất, kết cấu móng công trình, dự báo các tai biến thiên nhiên, bước đầu đem lại kết quả có độ tin cậy cao và được nhiều nước quan tâm nghiên cứu. Vì vậy, việc áp dụng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo trong phân tích Địa kỹ thuật là nhu cầu thiết yếu và có triển vọng trọng kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc phát triển và ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo trong việc giải quyết các bài toán Địa kỹ thuật, ngày 30/3/2018, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị khoa học về Trí tuệ nhân tạo trong phân tích Địa kỹ thuật và ra mắt nhóm nghiên cứu mạnh Địa kỹ thuật và Trí tuệ nhân tạo. Tham dự hội nghị có PGS.TS. Đào Văn Đông - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Ngô Quốc Trinh - Trưởng phòng KHCN-HTQT; PGS.TS. Nguyễn Văn Vi - Chủ tịch Hội đồng Khoa, Khoa Công trình; TS. Ngô Thị Thanh Hương - Phó trưởng Khoa, phụ trách Khoa Công trình; TS. Lê Hoàng Anh - Phó trưởng Khoa Công trình; PGS.TS. Bùi Tiến Diệu - Trường Đại học Miền Nam Nauy - Nauy; PGS.TS. Nguyễn Đức Mạnh - Trường Đại học Giao thông vận tải; PGS.TS. Lê Hoàng Sơn - Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Vũ Bá Thao - Viện Thủy công, Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam; TS. Bùi Thị Kiên Trinh - Trường Đại học Thủy Lợi; đại diện lãnh đạo các Bộ môn, các nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên Khoa Công trình.


PGS.TS. Đào Văn Đông trao quyết định và tặng hoa chúc mừng Nhóm nghiên cứu mạnh


PGS.TS. Đào Văn Đông phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho Nhóm nghiên cứu mạnh

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Đào Văn Đông - Hiệu trưởng Nhà trường nhiệt liệt chúc mừng buổi ra mắt Nhóm nghiên cứu mạnh và Hội nghị khoa học địa kỹ thuật và Trí tuệ nhân tạo. Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc và là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra đối với các nhà giáo, nhà khoa học của Trường Đại học Công nghệ GTVT. PGS.TS. Đào Văn Đông cho biết đây là nhóm nghiên cứu mạnh thứ tư của Nhà trường được thành lập nhằm tập hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng với các nhà khoa học trẻ của Trường để giao lưu, trao đổi học thuật, cùng nhau nghiên cứu, công bố các bài báo quốc tế, thực hiện các đề tài, dự án nhằm giải quyết các bài toán thực tiễn đặt ra của ngành GTVT và đất nước. PGS.TS. Đào Văn Đông mong muốn "14 thành viên trong Nhóm nói riêng và các nhà khoa học có quan tâm cùng chung tay tiếp tục xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh ngày càng phát triển hơn nữa để kế thừa được tinh hoa của nhân loại, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành Giao thông vận tải, phục vụ cho sự phát triển của đất nước".

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo liên quan đến việc phát triển các ứng dụng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo trong dự báo nói chung và trong phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất và chuyển vị ngang của đập thủy điện nói riêng. Đây là những chủ đề đang được xã hội và ngành xây dựng công trình rất quan tâm.

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:


TS. Ngô Thị Thanh Hương giới thiệu về Nhóm nghiên cứu mạnh Địa kỹ thuật và Trí tuệ nhân tạo


PGS.TS. Lê Hoàng Sơn- Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo tham luận tại Hội thảo


TS. Phạm Thái Bình- Trường Đại học Công nghệ GTVT báo cáo tham luận tại Hội thảo


TS. Bùi Thị Kiên Trinh- Trường Đại học Thủy Lợi báo cáo tham luận tại Hội thảo


Các nhà khoa học tham dự Hội nghị đặt câu hỏi cho các báo cáo viên

Một vài thông tin của Nhóm

Tên tiếng Việt:     Nhóm nghiên cứu mạnh Địa kỹ thuật và Trí tuệ nhân tạo
Tên tiếng Anh:     Geotechnical Engineering and Artificial Intelligence research group
Tên viết tắt:         GEOAI
Mục tiêu hoạt động: Nghiên cứu và công bố các công trình khoa học có chất lượng cao trong lĩnh vực địa kỹ thuât; phát triển và ứng dụng các kỹ thuật công nghệ trí tuệ nhân tạo và các giải pháp công nghệ cao để giải quyết các bài toán địa kỹ thuật liên quan đến ngành xây dựng công trình.

Hướng nghiên cứu chính:
• Phát triển và ứng dụng các kỹ thuật công nghệ Trí tuệ nhân tạo trong dự báo các tính chất của vật liệu xây dựng, sự làm việc và ổn định của cấu trúc nền móng, cũng như các tai biến đối với môi trường đất đá tự nhiên và công trình;
• Phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về đo lường, cảm biến, và điện tử viễn thông phục vụ quan trắc, dự báo, và cảnh báo  các vấn đề địa kỹ thuật, tai biến môi trường đất đá tự nhiên và công trình;
• Ứng dụng phương pháp số và mô phỏng trong phân tích các bài toán địa kỹ thuật;
• Xây dựng và phát triển các mô hình thực nghiệm các bài toán địa kỹ thuật;
• Ứng dụng các công nghệ phân tích địa không gian, hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong dự báo, cảnh báo tai biến môi trường đất đá tự nhiên và công trình;
• Phát triển các mô hình tính toán thông minh dựa trên Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật trong Địa kỹ thuật.

Thành viên của Nhóm: 14 thành viên đến từ Trường Đại học Miền Nam Nauy - Nauy; Trường Đại học Công nghệ GTVT; Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học GTVT; Học viện kỹ thuật quân sự; Viện Thủy công, Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam; Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đại học Mỏ Địa chất.

Tin ảnh: Nguyễn Chung
Trường Đại học Công nghệ GTVT