Chiến lược ôn luyện để tăng điểm nghe TOEIC

Nghe là một trong hai kỹ năng có trong bài thi TOEIC. Luyện nghe TOEIC là chìa khóa để đạt điểm cao trong kỳ thi TOEIC. Để có thể ôn luyên tốt, trước hết sinh viên cần biết xuất phát điểm của mình ở đâu. Sinh viên có thể làm bài kiểm tra nghe theo dạng thức TOEIC để xác định xem trình độ nghe của mình ở mức nào, từ đó theo học chương trình có giáo trình phù hợp.

Ba khó khăn lớn nhất khi làm bài thi nghe TOEIC là:

·Thời lượng bài thi nghe kéo dài liên tục trong 45’mà chỉ được nghe một lần

- Đề thi nghe chứa đựng lượng từ vựng phong phú, giọng đọc đa dạng (Anh, Mỹ, Úc).

- Bài thi nghe có bốn phần, mỗi phần lại có những đặc trưng và yêu cầu khác nhau.

Tương ứng với ba khó khăn chính trên, sinh viên cần ôn luyện theo ba tiêu chí sau:

1.Tập quen dần với nghe cường độ cao

Sinh viên có thể luyện tập nghe bằng cách đọc sách, báo bằng tiếng Anh, nghe nhạc, tin tức, nghe bài hát tiếng Anh hoặc nghe các kênh VOV, BBC, CNN hoặc xem phim bằng tiếng Anh ở các kênh nước ngoài như HBO,CINEMAX.

Quy tắc luyện nghe để thích nghi với việc nghe cường độ cao là:

- Nghe đều đặn mỗi ngày.

- Nghe những đoạn hội thoại, bài phát biểu, chương trình thời sự dài ít nhất 30’.

- Bên cạnh việc nghe chủ động và làm bài tập theo cấu trúc đề thi TOEIC, sinh viên có thể nghe thụ động. Có nghĩa là bật nghe các chương chình nói tiếng Anh mà không cần đặt nặng áp lực phải hiểu.

Tài liệu luyện thi TOEIC: Starter TOEIC – Anne Taylor and Cassey Malarcher, ABC TOEIC listening, Longman Preparation Series for the Toeic Test – Lin luogheed, Target TOEIC, Economy TOEIC

2.Trau dồi kiến thức về từ vựng, phát âm

Sinh viên cần trau dồi những khía cạnh sau:

Học cách phát âm chuẩn

Phân biệt các từ đồng âm, từ có cách phát âm gần giống nhau

Nhận biết dạng khẳng định, phủ định khi nghe

Nâng cao vốn từ vựng về các chủ đề phổ biến trong bài thi TOEIC và cấu trúc câu

Khắc phục một số ảnh hưởng về cách phát âm chuỗi lời nói trong tiếng Anh

Tài liệu tham về phát âm: Pronunciation workshop – Paul Gruber, Master spoken English – Nguyễn Quốc Hùng, Sheep or ship -  Ann Baker, Pronounce it perpectly in English – Jean Jakes, Clear speech – Judy B. Gilbert

Tài liệu tham khảo về từ vựng: Oxford Word Skill – Ruth Gairns and Stuart Redman,  Check your vocabulary for TOEIC – Rawdon Wyatt, 600 essential words for the TOEIC - Barron

3.Biết sử dụng chiến lược khi làm bài thi nghe TOEIC

3.1.Phần I

- Đặc điểm Phần I

Nội dung tranh ở phần này thường yêu cầu  miêu tả con người (hành động, đặc điểm nhận dạng, trạng thái....), miêu tả sự vật và phong cảnh (tại các địa điểm quen thuộc trong cuộc sống như: quán cà phê, trường học, đường phố....). Câu hỏi miêu tả người chiếm 70%, các tranh còn lại là yêu cầu tả bối cảnh hoặc sự liên hệ giữa bối cảnh và con người. Ứng với mỗi dạng, sinh viên cần làm quen với từ vựng và cấu trúc ngữ pháp thường dùng trong phần I.

- Các bẫy thường gặp ở phần I:

- Các lựa chọn trả lời sai có thể chứa các từ phát âm giống nhau

- Các lựa chọn trả lời sai có thể có các đại từ, con số hay địa điểm sai

- Các lựa chọn trả lời sai có thể chứa một từ đúng

- Chiến thuật làm phần I

Các bước làm bài nghe phần I

- Quan sát kỹ tranh trước khi nghe và đặt ra câu hỏi ai (giới tính, ngoại hình, nghề nghiệp) đang ở trong ảnh? Cái gì đang xảy ra?  Hình ảnh này được chụp ở đâu?

- Đoán trước loại câu miêu tả tranh (tả hoạt động, tả chung chung, tả đặc điểm)

- Tập trung nghe hiểu nghĩa của cả câu. Trong khi nghe, tập trung vào các từ dễ nghe, các từ được nhấn mạnh vì chúng mang nghĩa tổng quát.

- Trả lời câu hỏi càng nhanh càng tốt. Nếu không biết cách trả lời, có thể đoán câu trả lời rồi chuyển sang xem trước ảnh kế tiếp

Ứng với mỗi loại tranh, sinh viên phải có những chiến thuật làm bài riêng

- Tranh tả vật: Quan sát xem đó là vật gì, đặc điểm bên ngoài của vật, mối quan hệ giữa các vật và vị trí giữa các vật. Quan sát những vật xung quanh vật chính.

- Tranh tả một người: Quan sát chi tiết về người đó: quần áo, hình dáng, phụ kiện...., quan sát hành động của người đó, quan sát những vật xung quanh người đó. Tranh tả một người thường tả hoạt động của người đó.

- Tranh tả nhiều người: Quan sát đặc điểm riêng của mỗi người và đặc điểm chung của mọi người, hành động của mỗi người và hành động chung của mọi người, vị trí của mọi người.

3.2. Phần II

- Đặc điểm của Phần II

Câu hỏi ở phần II có thể đặt ra về nhân vật, nơi chốn, thời gian, một hoạt động, một sự kiện, cảm xúc, lý lẽ hay ý kiến. Chìa khóa để làm phần này là nắm bắt được loại câu hỏi và từ khóa Nếu biết được loại câu hỏi thì có thể dễ dàng chọn được câu trả lời thích hợp.

Các loại câu hỏi ở phần này: câu hỏi Wh, câu hỏi Yes/No,  câu hỏi dạng lựa chọn, câu hỏi đuôi, câu hỏi phủ định, câu trần thuật

Các bẫy thường gặp ở phần II:

- Chú ý đến các từ phát âm giống nhau (từ đồng âm)

- Chú ý đến các câu hỏi đuôi

- Cẩn thận với câu trả lời gián tiếp.

- Đôi khi câu trả lời cho một câu hỏi có/không lại không có từ có/không

- Chiến thuật làm phần II

Chú ý tới chữ đầu tiên trong câu hỏi sẽ giúp chúng ta định hình đó là câu hỏi dạng gì. Khi biết được loại câu hỏi chúng ta dễ dàng biết được loại câu trả lời.

Loại trừ các đáp án:

-Trong câu hỏi Wh và câu hỏi lựa chọn mà đáp án trả lời bắt đầu bằng yes,no.

- Trùng một từ hay một âm với câu hỏi

- Sai đại từ nhân xưng, chỉ định

- Sai thì

Tập trung nghe từ khóa, nếu có thể càng nghe được nhiều từ trong câu càng tốt. Đánh đáp án ngay khi xác định được câu trả lời.

3.3. Phần III

- Đặc điểm phần III

- Phân tích đề là bước cần thiết phải có trước khi tiến hành nghe đoạn hội thoại. Đặc biệt, người học cần phân biệt được các dạng câu hỏi có trong phần III. Cụ thể, có 3 loại câu hỏi chính:

- Câu hỏi tổng quan: nội dung thường hỏi về nơi chốn, nghề nghiệp, hoạt động và chủ đề. Dạng câu hỏi này đòi hỏi người nghe có hiểu biết tổng quát về bài hội thoại.

- Câu hỏi chi tiết: nội dung hỏi về những thông tin cụ thể trong bài đối thoại như kế hoạch, lời đề nghị, ý kiến, lý do, vấn đề của người nói. Với dạng câu hỏi này, người nghe cần phải đi sâu vào chi tiết, tập trung chú ý vào những từ khóa.

- Câu hỏi suy luận: dạng câu hỏi này yêu cầu người nghe dựa vào ngữ cảnh cũng như những thông tin cho sẵn để suy luận ra câu trả lời.

- Chiến lược làm phần III

Chiến lược 1: Quy tắc 40 giây

+ Đọc 3 câu hỏi và các câu trả lời, chú ý từ khóa. Không dành quá 10 giây cho mỗi câu hỏi. Dự đoán nội dung sắp nghe.

+ Nghe đoạn hội thoại và chọn đáp án ngay khi xác định được câu trả lời.

+ Sau khi chọn đáp án, nhanh chóng chuyển sang đọc đề 3 câu tiếp theo.

Chiến lược 2: Tránh các bẫy phổ biến trong phần III

Trong quá trình nghe, người nghe cần tránh được các bẫy phổ biến như sau:

+ Bẫy về từ được dùng trong phương án trả lời, có xuất hiện trong bài nghe, nhưng lại mang ý nghĩa khác.

+ Bẫy về phân biệt ý định của người nói là đồng ý hay từ chối.

+ Bẫy về từ đồng âm khác nghĩa, hoặc từ có phát âm tương tự phương án đúng.

Để tránh các bẫy trên, người nghe không nên vội kết luận đáp án khi nghe được một hai từ có trong đáp án. Thay vào đó, người nghe phải hiểu được nội dung liên quan đến những từ đó, đối chiếu xem có trả lời câu hỏi đưa ra hay không.

3.4. Phần IV

- Đặc điểm phần IV

Các loại câu hỏi thường gặp trong phần IV:

+ Hỏi về cái gì. Thông thường mỗi bài sẽ có 1 câu hỏi về nội dung chính và 2 câu còn lại về nội dung chi tiết. Do đó người học cần ghi nhớ từng loại câu hỏi thường gặp.

+ Hỏi như thế nào. Câu hỏi có khi về suy luận (inference), có khi tập trung vào tính chính xác của thông tin được đề cập trong bài. Nếu câu hỏi là về suy luận thì những cách diễn đạt khác (paraphrasing) thường được sử dụng; nếu câu hỏi nghiêng về tínhchính xác của thông tin thì từ hay câu đã được trình bày trong bài nói sẽ được giữnguyên trong đáp án.

- Chiến lược làm bài phần IV

Chiến lược 1: Đọc thật nhanh câu hỏi và đáp án cho sẵn 

Giống như phần 3, việc dành thời gian để đọc và phân tích câu hỏi, phương án trả lời trước khi nghe là rất quan trọng. Trong quá trình đọc đề, người học cần hình dung được ngữ cảnh và trả lời trong đầu được những câu hỏi như: chủ đề bài nói, địa điểm diễn ra bài nói, ai đang nói, những chi tiết cần tập trung nghe.  

Chiến lược 2: Đáp án đúng thường có từ hoặc cụm từ gần với từ hoặc cụm từ bạn nghe được nhất

Khác với phần 3, phần 4 hầu như không có bẫy với thí sinh.Nếu lựa chọn trả lời có từ vựng hoặc cách diễn đạt tương tự với nội dung của bài nghe thì gần như chắc chắn rằng đó là lựa chọn trả lời đúng.

Ngoài ra, người học cần làm quen với cách diễn đạt các chữ số, thời gian, ngày trong tuần, số tiền .v:v. theo nhiều cách khác nhau; vì những thông tin này có thể được chuyển đổi thành một dạng khác ở đáp án.

Trên đây là tóm tắt về chiến lược ôn luyện giúp tăng điểm thi nghe TOEIC. Để thực hiện thành công chiến lược ôn luyện này, sinh viên cần xác định rõ mức điểm mình cần đạt, tích cực nỗ lực luyện nghe bền bỉ, dựa trên những phương tiện học sẵn có và giáo viên trong trường để phát huy việc học nghe TOEIC hiệu quả. Chúc các bạn sinh viên thành công!