Thực trạng và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực Logistics tại Việt Nam

 

 Gửi Email bàinTrực trạng nguồn nhân lực Logistics tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ logistics đã và đang phát triển rất nhanh chóng. Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, tại Việt Nam, từ con số một vài doanh nghiệp giao nhận quốc doanh ở đầu thập niên 90, đến nay cả nước đã có khoảng 1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chủ yếu về dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ, đại lý vận tải,… tập trung chủ yếu ở khu vực TP.HCM và Hà Nội. Trung bình mỗi năm có từ 200-300 doanh nghiệp giao nhận, logistics được cấp phép hoạt động hoặc bổ sung chức năng logistics. Nếu theo tình hình này thì chỉ trong một vài năm nữa, Việt Nam sẽ vượt xa cả Thái Lan (1100 doanh nghiệp), Singapore (800 doanh nghiệp), Indonesia, Philipin (700-800 doanh nghiệp) về số lượng các doanh nghiệp logistics đăng ký hoạt động trong nước.

Trực trạng nguồn nhân lực Logistics tại Việt Nam

Quyết định 175/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020 đã có những chỉ đạo chiến lược đối với sự phát triển của ngành logistics. Theo đó, ngành logistics được xem là yếu tố then chốt, thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác cũng như lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Việc phát triển ngành logistics và nguồn nhân lực logistics đã trở thành chương trình cấp quốc gia.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nguồn nhân lực có chuyên môn và kỹ năng cao là nhân tố vô cùng quan trọng để hoạt động logistics đạt hiệu quả, là yếu tố quyết định sự thành công của các doanh nghiệp logistics trên thương trường. Số lượng lao động khoảng gần 1,5 triệu làm việc trong các doanh nghiệp logistics, tuy là con số rất lớn nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu lao động của ngành,  tỷ lệ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về logistics còn chiếm khá thấp, chỉ từ 5-7%. Thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics cho biết, trong ba năm tới, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm khoảng 18.000 lao động, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần đến trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Hiện hàng ngàn doanh nghiệp đang rất lúng túng và gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm lao động làm trong lĩnh vực này.

Trực trạng nguồn nhân lực Logistics tại Việt Nam

Nhân lực logistics ở Việt Nam hiện nay chủ yếu được lấy từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về chất lượng nguồn nhân lực logistics cho thấy, có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện có tới 80,26% nhân viên trong các doanh nghiệp logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày, 23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước, 6,9% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo, chỉ có 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài. Các số liệu nghiên cứu này đã cho thấy nguồn nhân lực logistics của nước ta không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, điều này rất không hợp lý với một ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ USD,  chiếm 20,9% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20-25% (số liệu của World Bank, 2014).

Do nguồn nhân lực logistics cung cấp cho thị trường lao động đang thiếu trầm trọng, cùng với sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về vai trò logistics, nên những người được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Thu nhập của họ cũng luôn ở nhóm cao trong xã hội, các nhân viên logistics thường có mức lương khởi điểm từ 6 – 7 triệu/tháng, các vị trí quản lý, lãnh đạo có thể đạt đến mức lương vài nghìn USD/tháng.

Trực trạng nguồn nhân lực Logistics tại Việt Nam

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics tại Việt Nam

Trước thực trạng khan hiếm, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics đang trở nên hết sức cấp thiết. Hiện nay, chương trình đào tạo, nâng cao tay nghể trong ngành này được thực hiện ở ba cấp độ: đào tạo tại các cơ sở đào tạo chính qui; đào tạo theo chương trình của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA) hoặc các trung tâm nghiên cứu, đào tạo về logistics hoặc các chương trình phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam với các Chính phủ, tổ chức tư vấn; đào tạo trong nội bộ doanh nghiệp. Tất cả các khóa đào tạo của VLA, trung tâm và doanh nghiệp đều là các khóa học ngắn hạn, thường hạn chế số người tham gia và chỉ mang tính nội bộ. Một số cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam đã đưa môn học logistics hoặc có liên quan đến logistics lồng ghép vào chương trình đào tạo của một số chuyên ngành như Kinh doanh quốc tế, Kinh tế đối ngoại, Vận tải đa phương thức hoặc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn các nghiệp vụ có liên quan đến logistics như Nghiệp vụ khai hải quan, Nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, Nghiệp vụ kho vận…

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics tại Việt Nam
                                       Khoá đào tạo, cấp chứng chỉ Logictisc với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản tại Trường Đại học Công nghệ GTVT

Nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực logistics có chất lượng cho các doanh nghiệp, từ năm 2014 Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã bắt đầu đào tạo trình độ đại học, để cấp bằng kỹ sư chuyên ngành Logistics và Vận tải đa phương thức. Với chuyên ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức và kỹ năng để đảm nhiệm được các công đoạn chính trong chuỗi logistics bao gồm giao nhận, vận chuyển và kho bãi. Công việc cụ thể là giao, nhận vận tải quốc tế theo đơn đặt hàng; làm thủ tục hải quan và các thủ tục giấy tờ liên quan đến hàng hóa; quản lý quá trình vận tải và phân phối hàng đến các đại lý; quản trị kho hàng;  giao dịch ngoại thương; thanh toán quốc tế … Bên cạnh đó, sinh viên được học chuyên sâu về quản trị chuỗi cung ứng, các qui định pháp lý về kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức; bảo hiểm vận tải; hệ thống thông tin logistics; tiếng Anh chuyên ngành…

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics tại Việt Nam

Chương trình đào tạo chuyên ngành Logistics và Vận tải đa phương thức của Nhà trường được thiết kế gồm 150 tín chỉ, thời gian học là 4 năm. Phần kiến thức trọng tâm là khối kiến thức chuyên ngành (58 tín chỉ), thực tập nghiệp vụ (10 tín chỉ), đồ án tốt nghiệp (6 tín chỉ). Các học phần được tổ chức đào tạo theo nguyên tắc, đào tạo lý thuyết kết hơp với tìm hiểu thực tế, phù hợp với yêu cầu đào tạo phải sát với thực tiễn sản xuất. Tùy theo đặc thù của từng học phần mà có thể tổ chức các buổi tham quan thực tế tại doanh nghiệp hoặc mời chuyên gia về giảng dạy theo chuyên đề cho sinh viên. Thông qua các buổi tham quan, tìm hiểu thực tiễn hoặc đối thoại trực tiếp với chuyên gia, các giảng viên của Trường có cơ hội được cập nhật những kiến thức thực tế liên quan đến tổ chức dịch vụ logistics; đối với sinh viên, không chỉ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được bổ sung và nâng cao mà còn giúp các em xác định đúng mục tiêu học tập, định hướng và cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Góp phần giải quyết bất cập mà nhiều trường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang gặp phải, đó là phần lớn sinh viên không có mục tiêu học tập và định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nên ý thức và thái độ học tập còn thụ động, không nỗ lực để rèn nghề và đạt kết quả học tập tốt.

Đào tạo nhân lực ngành logistics đang trở thành một ngành đào tạo rất “nóng” ở Việt Nam. Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics có chất lượng luôn là một trong các mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải ở cả giai đoạn hiện tại và tương lai. Hy vọng rằng, với những nỗ lực không ngừng từ phía Nhà trường để thu hút được người học và nâng cao chất lượng đào tạo, trong vài năm tới, các thế hệ sinh viên chuyên ngành Logistics và Vận tải đa phương thức tốt nghiệp ra trường sẽ giúp cải thiện phần nào những lúng túng và khó khăn của các doanh nghiệp logistics trong quá trình tìm kiếm lao động trong lĩnh vực này. Cơ hội và khả năng thành công đối với sinh viên tốt nghiệp cũng nhiều hơn, khi các em được làm việc trong các doanh nghiệp luôn ý thức được vai trò quan trọng của nguồn nhân lực logistics được đào tạo bài bản, có chất lượng.

                                                                                                                                                                                   TS. Lê Thu Sao (Khoa KTVT - Trường Đại học Công nghệ GTVT)