Trường Đại học Công nghệ GTVT áp dụng công nghệ Nhật Bản trong xử lý điểm đen giao thông tại Quảng Ninh

Nhiều năm qua, ngã ba Quang Hanh (phường Quang Hanh) đoạn giao giữa QL18A với QL279 (tuyến tránh Vũ Oai - Quang Hanh) đã trở thành nỗi ám ảnh của cánh lái xe, cũng như người dân sống gần đây. Có thời điểm, trong 5 ngày, nút giao này xảy ra 4 vụ TNGT. Nhằm xóa điểm đen về ATGT ở đây, tháng 7/2019, Sở GTVT đã áp dụng công nghệ lớp phủ Ceramic của Nhật Bản tại khu vực nút giao này, một trong những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Một trong những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra ở nút giao ngã ba Quang Hanh năm 2018.
Một trong những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra ở nút giao ngã ba Quang Hanh, năm 2018.

Theo số liệu thống kê của Sở GTVT, lượng phương tiện vận tải lưu thông qua khu vực ngã ba Quang Hanh là 24.000 xe/ngày, đêm, trong đó có 1.700 xe container. Các vụ TNGT tại đây chủ yếu do loại phương tiện vận tải này di chuyển theo hướng từ Hoành Bồ đến Cẩm Phả. Lý do bởi khu vực này là đoạn dốc 7% và liên tục trên chiều dài 1.745m, nên khi các phương tiện vận tải chạy tốc độ cao, lái xe không quen đường, không làm chủ tốc độ, phát sinh tình trạng liên tục rà phanh, khi gần đến cuối dốc bị mất phanh hoặc phanh kém hiệu lực nên xảy ra tai nạn.

Để khắc phục tình trạng này, những năm qua, đoạn tuyến trên đã được Bộ GTVT, UBND tỉnh và Sở GTVT đưa ra nhiều giải pháp xử lý, như: Tiến hành mở rộng phạm vi nút giao, tổ chức giao thông bằng đảo tam giác, bổ sung biển báo hạn chế tốc độ, tăng cường cảnh báo bằng đinh phản quang và các cụm sơn gờ giảm tốc... Mặc dù vậy, khu vực này vẫn thường xuyên xảy ra các vụ TNGT và tiềm ẩn mất ATGT.

Trong quá trình thi công, công trình đều có sự hướng dẫn, giám sát của các chuyên gia Nhật Bàn và trường ĐH Công nghệ GTVT.
Trong quá trình thi công, công trình đều có sự hướng dẫn, giám sát của các chuyên gia Nhật Bản và Trường ĐH Công nghệ GTVT.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Ban dự án vốn sự nghiệp (Sở GTVT) cho biết: Trường Đại học Công nghệ GTVT cùng với Công ty AGC đưa công nghệ lớp phủ Ceramic của Nhật Bản vào áp dụng thử nghiệm tại Km127 QL6 thuộc huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Theo đó, các đường cong hẹp và có vực sâu sẽ được trải lớp phủ Ceramic màu đỏ để cảnh báo nguy hiểm và giúp giảm tốc nhanh chóng.

Đặc tính của lớp phủ này là nâng cao độ chống trượt của mặt đường lên gấp 2-3 lần so với cũ, lớp phủ này cũng có nhiều màu sắc tạo điều kiện dễ nhận biết, thu hút sự chú ý tối đa cho lái xe, đồng thời cảnh báo tăng dần mức nguy hiểm. Sau 2 năm thi công, đến nay tại Km127 QL6 đoạn Mai Châu (Hòa Bình) đã không xảy ra tai nạn nào cả. Sau khi nghiên cứu và nhận thấy khu vực ngã ba Quang Hanh cũng có đặc điểm tương tự như tại Km127 của tỉnh Hòa Bình nên Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ và UBND tỉnh áp dụng công nghệ này tại nút giao ngã ba Quang Hanh.

Tháng 7/2019, công trình đã chính thức được triển khai thi công với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng, từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương. Toàn bộ nguyên vật liệu đều được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và trong quá trình triển khai đều có các chuyên gia Nhật Bản cùng chuyên gia của Đại học Công nghệ GTVT hướng dẫn, giám sát kỹ thuật. Hiện đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng và Thương mại 909 đã triển khai được gần 50% phần việc, dự kiến sẽ hoàn thiện công trình trong tháng 10/2019.

Việc phủ lớp Ceramic
Việc phủ lớp Ceramic sẽ giúp nâng cao độ chống trượt của mặt đường lên gấp 2-3 lần so với trước.

Về cơ bản, công trình xử lý điểm đen giao thông tại nút giao ngã ba Quang Hanh có thiết kế tương tự như thiết kế thi công tại Km127 (Hòa Bình), tuy nhiên, do khu vực này có đường dốc cao 7% nên trên đoạn dốc xuống trước khi kết nối tại ngã ba Quang Hanh có 5 vị trí áp dụng lớp phủ Ceramic, sử dụng loại màu vàng cảnh báo và màu đỏ cánh báo mức độ cao hơn. Đồng thời, thiết kế rải lớp phủ kiểu “ngựa vằn” với khoảng cách giữa các đoạn được phủ cách nhau 1m để tạo tiếng động cảnh báo cho lái xe đi đúng tốc độ, kết hợp cùng với chỉ dẫn ATGT bằng màu sắc và biển báo phản quang để tăng cường chỉ dẫn cho lái xe không vi phạm luật.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy (Trường Đại học Công nghệ GTVT) khẳng định: Đây là một trong những giải pháp công nghệ mới, hiện đại, cơ giới hóa cao, đã được áp dụng phổ biến trong các dự án sửa chữa, nâng cấp các công trình đường bộ trên thế giới. Công nghệ dễ thi công và dễ sửa chữa nếu có hư hỏng. Trong điều kiện nguồn vốn chưa thể xây dựng cầu cạn, nút giao khác mức thì việc Quảng Ninh áp dụng công nghệ mới này được cho là một giải pháp đảm bảo tính cấp bách.

Video quá trình thi công tại Quang Hanh - Quảng Ninh

Được biết, công nghệ lớp phủ Ceramic là một trong những giải pháp tiên tiến nhất hiện nay, đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sau khi thử nghiệm hiệu quả sẽ được nhân rộng, đưa vào xử lý tại các điểm đen giao thông trên địa bàn tỉnh.

Báo Quảng Ninh