Cảm xúc sau một chuyến về nguồn

kỳ tích được làm nên bởi tinh thần và khát vọng cao cả của những con người đã ngã xuống vì độc lập tự do đất nước. Điều đó lý giải tại sao hàng năm, lớp lớp người Việt đã hành hương về Quảng Trị để được thắp nén tâm nhang bày tỏ cảm xúc và lòng biết ơn trước hàng vạn vong linh liệt sĩ đã ngã xuống trong các chiến dịch tại mảnh đất đầy máu và hoa này. Đối với tôi, chuyến hành trình về nguồn cùng các bạn đoàn viên thanh niên Thủ đô trong đó có các bạn trẻ của trường Cao đẳng GTVT với 35 thành viên do đồng chí Ngọ Duy Hiểu- Bí thư Thành đoàn - Chủ tịch Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội dẫn đầu và được tự tay thắp nén nhang trong cánh rừng bia mộ là một kỉ niệm ấn tượng, sâu sắc. 

alt

 

 

Sau khi kết thúc cuộc giao lưu “Thắp lửa truyền thống - Vui hội non sông”, ngay trong đêm 28/4, theo chân đoàn Hà Nội, tôi đã có mặt tại khu vực di tích sông Bến Hải vào hôm sau, chứng kiến lễ thượng cờ tại kỳ đài Hiền Lương một chứng tích cho những năm tháng đất nước bị chia cắt. Lá quốc kỳ rộng 60m2 biểu trưng cho tinh thần dân tộc, khí phách non sông từ từ được kéo lên trong không khí linh thiêng, trang nghiêm và thấm đẫm cảm xúc của hàng ngàn người tham dự. Tối hôm đó, tỉnh Quang Trị đã tổ chức thả hơn 10000 đèn hoa đăng, hàng chục bè hoa làm nên dòng sông hoa giữa đôi bờ Thạch Hãn để tưởng nhớ tới những người lính hy sinh trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Lúc đó, khi bài thơ “Lời người bên sông” của Lê Bá Dương vang lên : “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ, - Đáy sông còn có bạn tôi nằm - Có tuổi hai mươi thành sóng nước - Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”, bầu trời đêm không gợn mây bỗng từ đâu một cơn mưa lạ bất ngờ phủ lên dòng Thạch Hãn như sự cảm động của đất trời, đã để lại ấn tượng đặc biệt với những người có mặt…

Hôm sau, chúng tôi lần lượt tới nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 dâng hương kính viếng hương hồn liệt sĩ. Sau đó tặng quà các cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn. Tại nghĩa trang Trường Sơn, đồng chí Tưởng Phi Chiến – Phó Bí thư Thành Ủy Hà Nội cùng với đoàn thanh niên tổ chức lễ viếng tại chân tháp báo công – biểu trưng cho sự chung tay và hy sinh của ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia. Tại đây, tôi bắt gặp một hình ảnh cảm động : một cựu binh ôm chặt lấy chân đài, gào khóc tên các đồng đội mình. Hỏi chuyện tôi được biết ông là Lương Văn Duẩn - tiểu đoàn trưởng đoàn cơ giới 871 - Bộ Tư lệnh 559, hiện nay đang nghỉ hưu ở Thuận Thành Bắc Ninh. Trên gương mặt sạm đen, rắn rỏi của người lính đã ngang dọc hàng chục lần trên tuyến đường Trường Sơn, đôi dòng nước mắt cứ trào ra khi ông kể về kỷ niệm những đoàn xe chở bộ đội bị đánh bom, cả chục người cùng hy sinh, rồi những chiến sĩ cương quyết không bỏ xe trước bờ vực thẳm … khiến chúng tôi bàng hoàng, chết lặng. Lần về thăm nghĩa trang Trường Sơn này, ông còn mang một tâm nguyện tìm lại hài cốt của Nguyễn Văn Chiến – con trai duy nhất của một liệt sĩ thời chống Pháp, trước đây trú tại phố Phùng Hưng, Hà Nội - là đồng đội của ông.

Trên đường Hồ Chí Minh tới nghĩa trang Đường 9, tâm trí tôi cứ vang lên những dòng bất hủ của nhà thơ Trần Bạch Đằng, được học năm nào :

“Hễ có Việt Nam, có Cổ Thành

Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh

Huân chương khó đủ từng viên gạch

Tấc đất từng giây mỗi lá cành”

Chắc hẳn, thuở cắp sách, ai cũng trào dâng cảm xúc khi nghe thầy, cô kể về chiến công và sự hy sinh của bộ đội ta trên chiến trường Quảng Trị. Nhưng khi đứng dưới tượng đài nghĩa trang Đường 9, trong hàng hàng bia mộ ta mới chiêm nghiệm được những tầng sâu hơn của cảm xúc, giá trị nhân bản và lẽ sống trên đời. Để rồi sau chuyến hành hương, những giá trị tư tưởng đọng lại trong mỗi đoàn viên thanh niên thủ đô sẽ là động lực lớn giải đáp câu hỏi “ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay?”… Trước lễ dâng hương của đoàn, Đồng chí Ngọ Duy Hiểu –Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội sinh viên Hà Nội đã trịnh trọng dóng 12 hồi chuông thỉnh nguyện vong linh các liệt sĩ và đặt vòng hoa dưới chân tượng đài.

Sau khi rời nghĩa trang đường 9, trong chiều 1/5, chúng tôi đã có mặt tại di tích thành cổ Quảng Trị nơi chứng kiến 81 ngày đêm của “mùa hè đỏ lửa năm 72”. Qua lời kể của hướng dẫn viên, hình ảnh Cổ Thành cùng với thị xã Quảng Trị, gần 40 năm về trước tơi bời dưới bom đạn hủy diệt của kẻ thù hiện ra trong tâm trí chúng tôi. Trong tòa thành chu vi vỏn vẹn 2000 m, hơn 300.000 tấn bom đã được thả với sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hyroshima hồi đệ nhị thế chiến. Người ta đã tính toán rằng mỗi mét vuông cổ thành phải chịu hơn 400 quả bom và đạn pháo cày xới. Dưới hỏa lực đó không gì có thể tồn tại được, gang thép cũng phải tan chảy, một gọng cỏ cũng không sống được dù ở dưới hầm sâu. Trong lá thư cuối cùng của một người lính và cũng là duy nhất chúng ta tìm được tại thành cổ, anh đã kể lại thời khắc cuối : bom nổ suốt ngày đêm, chúng con như phát điên, sức ép bom làm máu tràn ra từ tai, mũi, mắt. Máu tràn ra ở cả ba nơi thì chúng con sẽ chết. Đồng đội xung quanh chết cả rồi, máu cũng tràn ra ở mắt con rồi, mẹ ơi…! Vậy mà trong suốt 81 ngày đêm liên tục, mỗi ngày một đại đội được tiếp ứng, để rối hôm sau lác đác chỉ còn lại vài người và một đại đội khác thay thế. Cứ như vậy, mỗi ngày cả trăm con người hòa máu xương mình vào đất cổ thành. 81 ngày đêm là 81 ngày hàng nghìn chiến sỹ là sinh viên - trí thức của đất nước, những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi tâm hồn trong như suối nguồn đã bỏ mình mà đắp xây nên tượng đài sừng sững về khát vọng độc lập, về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh quốc gia. Chẳng thế mà, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phải thốt lên khi viết về Thành cổ Quảng Trị : “Những người chết đi, không hề muốn được phong anh hùng, hay thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ cuộc sống đã được thiết kế trở lại trên công bằng và nhân phẩm”. Để ngày nay, dưới “cỏ xanh non tơ”, dưới tầng tầng gạch vỡ, vong linh các anh sẽ mãi ngân lên bản hùng ca non sông, cổ vũ cho thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống bảo vệ, dựng xây đất nước… Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị đã có nhiều sự đổi thay sau quá trình quy hoạch lại : Bắc Môn, khuân viên, đường nội bộ được chỉnh trang, tôn tạo. Đặc biệt là đài tưởng niệm độc đáo, mang đậm văn hóa Việt, Á Đông và những ý nghĩa nhân bản cao cả trở thành điểm thu hút hàng vạn người về thăm viếng.

Trên đường trở về sau chuyến hành hương, đoàn chúng tôi còn có dịp thăm các di tích khác như Cố đô Huế, Hang Tám Cô (Quảng Bình), Thăm quê Bác tại làng Kim Liên (Nghệ An), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Thế mới biết, đi đâu ta cũng có thể bắt gặp những di tích đỏ, làm nên bởi bao xương máu của lớp lớp người Việt đổ xuống, thắm đỏ đất, nhuộm đỏ sắc cờ.

Hành trình về nguồn do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức đã kết thúc, nhưng dư âm và giá trị giáo dục tư tưởng của nó đọng lại trong các thành viên hết sức lớn lao. Chúng tôi đã hiểu thêm về những hy sinh, mất mát to lớn của thế hệ cha anh cho Tổ quốc và các thế hệ kế tục. Chuyến đi giúp tôi chiêm nghiệm một điều rằng người sống và người chết tuy cách xa nhau, nhưng lại có mỗi quan hệ qua lại chặt chẽ. Con người không ai là không chịu sự chi phối của “bánh xe pháp luân” với quy luật “thành - trụ - hoại - không”; có sinh ra là có mất đi, nhưng những gì họ để lại là vĩnh viễn với thời gian, là điều hằng thường với cõi vô thường. Ý nghĩa đó còn để lại những bài học tư tưởng sâu sắc cho các thành viên của trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải sau chuyến hành hương này : chúng ta hôm nay phải sống xứng đáng với tiền nhân, biết biến quá khứ thành động lực thúc đẩy cho hiện tại và mai sau. Thời gian qua đi sẽ làm lành vết thương chiến tranh, tuổi trẻ ngày nay cần quý trọng hơn thành quả của người đi trước để lại mà trước hết là hòa bình, ổn định; trong đất trời Việt Nam thống nhất, trong dòng máu Lạc Hồng, lớp người đi sau cần hướng tới tương lai vì một dân tộc hòa hợp chung tay dựng xây đất nước phồn vinh thịnh vượng “sánh vai với các cường quốc năm châu”!

(Theo Trọng Đạt- báo Tài chính)